- Nói về việc trường ĐH đầu tiên tham gia kiểm định chất lượng cấp khu vực, TS. Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) hy vọng việc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tham gia kiểm định của AUN sẽ gây ảnh hưởng tới các trường đại học Việt Nam khác.
"Nếu chúng ta chấp nhận để cho họ chỉ ra những khiếm khuyết của mình, sau đó mình khắc phục, hoàn thiện, chắc chắn các trường sẽ mạnh hơn và có chất lượng hơn, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế" - ông Thanh nêu quan điểm.
Bên lề Hội nghị thường niên cán bộ chủ chốt mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 30, 31/3, TS. Phạm Xuân Thanh cho biết: Hiện nay có 23 chương trình đại học của Việt Nam được Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá và công nhận đạt yêu cầu của AUN. Ngoài ra một số chương trình kinh tế, kỹ thuật và công nghệ của các trường khác cũng đã được các tổ chức quốc tế công nhận.
TS. Phạm Xuân Thanh |
- Chúng tôi nghĩ thế này: Hầu như tất cả các trường ĐH dù yếu hay mạnh cũng có một chương trình tương đối mạnh, họ có thể đăng ký đánh giá bởi bộ tiêu chuẩn của AUN hay của quốc tế. Việc có một hoặc một vài chương trình đạt chuẩn khu vực sẽ khuyến khích cho các khoa, trường, các chương trình đấy học tập và noi theo.
Chỉ tính riêng với AUN, ông có cho rằng Việt Nam “đi” hơi chậm khi từ năm 2006 đến nay mới có 23 chương trình được đánh giá?
- Nếu so với các nước khác, con số 23 chương trình của Việt Nam không phải là ít. Chúng ta là một trong những nước tích cực với việc này. Có những nước mới chỉ có 1, 2 chương trình được đánh giá.
Vậy ông nhận xét như thế nào về việc ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) là trường đầu tiên của Việt Nam đăng ký kiểm định chất lượng cấp đơn vị vào năm nay?
- Khi triển khai đánh giá, các tổ chức bao giờ cũng cân nhắc làm gì trước - đánh giá các trường hay chương trình trước? Mỗi nơi có một cách tiếp cận, mỗi cái có một ưu thế riêng.
AUN đã lựa chọn triển khai đánh giá chương trình trước, vì chiến lược của họ là tập trung cải tiến các chương trình bên trong chất lượng đào tạo.
Đó là lý do mà từ năm 2006 đến nay chúng ta có 23 chương trình nhưng chưa có trường nào được AUN đánh giá.
Năm nay, ngoài việc tiếp tục đánh giá chương trình, AUN bắt đầu triển khai đánh giá nhà trường.
Tôi hy vọng việc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tham gia kiểm định của AUN sẽ gây ảnh hưởng tới các trường đại học Việt Nam khác, sẽ có nhiều trường hơn trở thành thành viên của các tổ chức đảm bảo chất lượng khu vực và quốc tế.
Nếu chúng ta chấp nhận để cho họ chỉ ra những khiếm khuyết của mình, sau đó mình khắc phục, hoàn thiện, chắc chắn các trường sẽ mạnh hơn và có chất lượng hơn, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Còn nếu vẫn làm như trước đây, tự khen mình mà không biết bên ngoài đánh giá mình như thế nào thì không thể nào tốt được.
Đánh giá 90% chương trình đại học
Khó khăn và yếu kém của các trường đại học Việt Nam là gì khi tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn khu vực và thế giới, thưa ông?
- Việt Nam đào tạo đại học đã được một trăm năm, nhưng có điểm yếu là chúng ta không có các báo cáo, minh chứng về những việc đã làm. Các báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm không lưu trữ đầy đủ.
Các trường trên thế giới có thể không có những báo cáo như của chúng ta, thế nhưng văn hóa tự đánh giá đòi hỏi nhà trường phải định kỳ triển khai tự đánh giá. Và muốn thấy sự phát triển của trường nào, chỉ cần xem hệ thống báo cáo tự đánh giá của nhà trường.
Trong hơn 10 năm qua, với việc các trường đại học Việt Nam triển khai và tham gia đánh giá trong và ngoài nước, đã dần hình thành văn hóa minh chứng, đòi hỏi nhà trường lưu trữ lại tất cả hoạt động của mình. Và nếu như chúng ta làm được việc này, thì bản thân nhà trường cũng nhìn thấy được lộ trình triển khai, có động cơ để điều chỉnh hoạt động và các chương trình đào tạo để mạnh hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về ảnh hưởng của kiểm định đến việc nâng cao chất lượng dạy và học?
- Có 2 loại đánh giá chính mà thế giới quan tâm, áp dụng, là đánh giá nhà trường và chương trình.
Hoạt động của một nhà trường rất rộng, nên khi đánh giá chỉ tập trung vào cách thức tổ chức, điều hành và hệ thống đảm bảo chất lượng.
Nhưng khi đánh giá chương trình cụ thể, thì rõ ràng là tập trung vào vấn đề dạy và học, xoay quanh sinh viên, giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, học liệu, mức độ áp dụng kiến thức vào thực tiễn… Từ đó, các chuyên gia có ý kiến để nhà trường điều chỉnh.
Cách AUN lựa chọn triển khai đánh giá chương trình trước là hợp lý.
Nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ có câu hỏi “Tại sao ở trong nước thời gian vừa rồi chúng ta tập trung đánh giá nhà trường mà không tập trung đánh giá chương trình”, phải không?
Đúng vậy. Xin ông trả lời câu hỏi đó!
- Thực ra chúng ta mới bắt đầu làm công việc này từ năm 2002. Khi đó, nhân lực thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn 200 trường đại học có gần 3.000 chương trình. Vì những lý do này, và với mục đích yêu cầu các trường nhanh chóng đi vào guồng để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã lựa chọn trước việc xây dựng bộ tiêu chuẩn của nhà trường và yêu cầu các trường tự đánh giá.
Với cách này, chúng tôi tác động tới cả hệ thống hơn 400 trường ĐH và CĐ. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận này hiệu quả nhưng chưa đạt chất lượng như chúng tôi mong muốn.
Trong vài năm qua, chúng tôi đã ban hành 3 bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình. Hiện nay, chúng tôi đang trình ban hành bộ tiêu chuẩn dùng chung cho tất cả các chương trình giáo dục đại học. Và theo như thế hoạch đưa ra từ 2010, thì mục tiêu giai đoạn 2015 – 2020 sẽ có 90% số chương trình giáo dục đại học trong cả nước được đánh giá theo chuẩn này. Đây là mục tiêu rất lớn, nhưng rất cần thiết, nếu chúng ta muốn thay đổi chất lượng dạy và học trong nhà trường hiện nay.
Xếp hạng không phải để đề cao hay làm mất uy tín
Là người làm công tác kiểm định, ông hy vọng Việt Nam sẽ có trường xếp hạng cao trong khu vực không?
- Mục đích của chúng tôi là khuyến khích các trường đảm bảo chất lượng. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhanh chóng có được nhiều chương trình đạt được chuẩn quốc gia, của khu vực và sau đấy nữa là chuẩn quốc tế.
Chúng tôi chú trọng tới vấn đề cải tiến chất lượng chứ không phải xếp hạng.
Còn với sự quan tâm của bạn tới xếp hạng, tôi có quan điểm thế này: Thực ra xếp hạng là sự ghi nhận thành tích mà các đơn vị đạt được. Nhưng họ chỉ ghi nhận thành tích tại thời điểm đấy thôi, và không để ý quá trình trước đấy nhà trường phải đầu tư bao nhiêu công sức, thời gian để đạt mức chất lượng cao đấy. Chúng tôi quan tâm giai đoạn đầu, tức là giúp họ đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Khi họ vươn lên được rồi, chắc chắn họ sẽ được ghi nhận một cách dễ dàng.
Sau khi bản dự thảo dự thảo lần 1 Nghị định về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học được đưa ra để lấy ý kiến đầu tháng 10/2014, thì đến thời điểm này, công việc đã thực hiện đến giai đoạn nào, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đã có văn bản trình thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Nghị định chưa ban hành. Nhưng điều đáng nói là ở đây, mục tiêu của việc phân tầng, xếp hạng là thúc đẩy quá trình cải tiến chất lượng, thúc đẩy các trường từng bước phấn đấu vươn lên, chứ không phải phân loại trường này tốt, trường kia xấu để đề cao hay làm mất uy tín của một số trường.
Xin cảm ơn ông.
Ngân Anh thực hiện