- "Tôi mà là người đi rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay", đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng nay (15/11) về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Cũng như khi thảo  luận về dự án Luật Giáo dục đại học chiều qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính cấp thiết của dự án Luật phòng chống rửa tiền. Nhất là khi một trong các mục tiêu là để đáp ứng các cam kết quốc tế.

Chặn "cửa" ngân hàng sẽ không khả thi

Theo phân tích của đại biểu Dương Trung Quốc, nếu có ban hành dự án luật này cũng khó thực hiện vì kỷ luật giao dịch tài chính vẫn còn chưa nghiêm. Các điều khoản trong dự luật cũng không giúp cải thiện được tình hình vì người có hành vi rửa tiền rồi sẽ tìm cách đi qua nhiều "cửa" khác. "Tôi mà là người đi rửa tiền, đọc luật này tôi lách được ngay", ông Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Phải giao cơ quan độc lập giám sát hoạt động rửa tiền. Ảnh: Minh Thăng
Ông Quốc cho rằng, nhiều quy định trong luật giống như quy chế hoạt động nội bộ của ngân hàng, chỉ áp dụng cho một cảnh cửa duy nhất là rửa tiền ở ngân hàng, và vô nghĩa với các hành vi rửa tiền khác. Trong khi đó, hoạt động rửa tiền diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cũng theo ông, phải giao một cơ quan độc lập nằm ngoài ngân hàng giám sát hoạt động rửa tiền để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Theo ông Quốc, cần có một lộ trình nghiêm ngặt để kiểm soát kỷ luật giao dịch tài chính. Nếu không, luật này ra đời chỉ để thỏa mãn mục tiêu là đáp ứng các cam kết với quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu làm trong sạch nền tài chính quốc gia.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm (đại biểu tỉnh Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng Việt Nam sẽ là nơi nhắm đến của tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế vẫn đang sử dụng nhiều tiền mặt, vàng. Chính vì vậy, nếu chỉ chặn ở cửa "ngân hàng" sẽ không khả thi.

Nói như đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), luật pháp Việt Nam ít quan tâm tìm hiểu và đòi hỏi làm rõ nguồn gốc đồng tiền. Trong khi đó, các khoản tiền bất hợp pháp xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau: đánh bạc, phạm pháp, mại dâm... Do Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng dùng được miễn là có thì muốn kinh doanh, buôn bán bất động sản đều dễ dàng.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng lo ngại, với một nền kinh tế tiền mặt, lại không quan tâm đến tính minh bạch của đồng tiền thì các điều khoản như trong luật sẽ rất khó áp dụng. Muốn hạn chế các hành vi rửa tiền, cách tốt nhất là tìm phương pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, như gắn với việc kê khai tài sản, làm rõ nguồn gốc các tài sản không phải là tiền mặt như bất động sản.

Cân nhắc kỹ

Nhiều đại biểu chỉ ra, dự luật chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chứ dù nâng nghị định lên thành luật có lẽ trên thực tế vẫn không giải quyết được gì.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Công Hồng gọi đây là một dự án còn lẫn nhiều "hạt sạn". Còn đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, phải xác định tư tưởng chính của luật là thực hiện phòng chống rửa tiền hiệu quả chứ không chỉ ra đời cho đủ luật.

"Dự án luật này đang còn nhiều vấn đề cần phải dành thời gian, công sức chuẩn bị thêm và phải chỉnh sửa nhiều giống như đã nói trong buổi góp ý cho Luật giáo dục đaị học hôm qua thì mới điều kiện để trình ra Quốc hội", ông Nam nói.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Luật Phòng, chống rửa tiền liên quan đến hai Bộ luật: Hình sự và Dân sự, và 6 luật khác đều liên quan đến luật quốc tế, đến rửa tiền, tài sản. Những khái niệm, nội dung trong luật này khác rất xa, không phù hợp 8 luật nói trên, nếu chúng ta không sửa được thì phải sửa hàng loạt các luật khác, như vậy liệu có khả thi?

Chưa kể, theo thông lệ quốc tế, các biện pháp áp dụng thích hợp để cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch… nhưng lại là chuyện liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong công tác quản lý tổ chức cán bộ, khả năng thanh toán dùng tiền mặt, do vậy phải cân nhắc kỹ.

Một quy định khác trong dự án luật là phòng chống tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, đa số đại  biểu đều cho rằng đưa vấn đề này vào luật là quá khiên cưỡng.

Trước đó, ban soạn thảo cũng đã giải trình, cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền vào tháng 12/2012 và cơ chế phòng, chống tài trợ khủng bố vào tháng 12/2011. Mà theo chương trình làm luật, Luật phòng, chống khủng bố sẽ được cho ý kiến năm 2012, dự kiến thông qua năm 2013.
Như vậy, nếu chờ có Luật phòng, chống khủng bố, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết quốc tế về thời gian thực hiện, dẫn đến nguy cơ bị kiểm soát, hạn chế trong các giao dịch tài chính, tiền tệ với đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, Việt Nam tham gia công ước quốc tế về phòng chống rửa tiền từ năm 2000. Nhưng trách nhiệm vì sao từ đó đến nay chưa xây dựng một dự án luật phù hợp lại chưa được làm rõ. Do đó, theo ông, không thể biến chuyện này thành lý do để "ép" Quốc hội phải thông qua chỉ để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự kiến, Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau.

Lê Nhung