Họ xin tiền xăng, tiền mua thức ăn, tiền nạp thẻ điện thoại... hồn nhiên và tự nhiên như thể mua một món hàng thì phải trả tiền vậy.
Những con lươn trên đường
Hàng chữ to đùng dán lên phía sau chiếc xe khách trở về Nairobi mà khiến tôi bật cười: "Chúng con nguyện theo Chúa". Khó mà có thể không nghĩ đến nghĩa khác của câu nguyện trên nếu bạn biết đến tình trạng giao thông của Kenya.
Khoảng gần 4000 người chết do tai nạn giao thông đã biến 2013 trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử giao thông của Kenya. Kỷ lục trên đã trở thành áp lực nặng nề đến mức chính phủ Kenya đã ban hành chính sách khẩn cấp, cấm toàn bộ các xe khách đường dài hoạt động từ 6 giờ tối đến 6h sáng.
Bất chấp nhu cầu của dòng người đi lại trong dịp Giáng sinh và năm mới, bất chấp những thiệt hại khổng lồ đối với cả nền kinh tế, chính sách trên vẫn được thực hiện một cách kiên quyết và không khoan nhượng.
Không mua được vé nhưng thật may mắn chúng tôi được Mathew, một người đang làm việc ở Hội chữ thập đỏ Kenya cho lên xe. Mathew nói rằng lúc đầu ông tưởng chúng tôi bị cướp. Mathew rất tận tình đưa chúng tôi tới tận bến xe khách dù nó đã quá chỗ làm việc của ông một đoạn khá xa.
Khoảng gần 4000 người chết do tai nạn giao thông đã biến 2013 trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử giao thông của Kenya. Ảnh Hoàng Đức Minh |
Nói về chất lượng đường xá, có lẽ Kenya tệ hơn Việt Nam nhiều. Ổ voi ổ gà trên đường là nỗi kinh hoàng đối với bất cứ phương tiện giao thông nào. Thêm vào đó, ở Kenya gần như không hề có đèn đường, chính vì thế các vụ tai nạn giao thông vào ban đêm chiếm một tỷ trọng lớn.
Một điều khiến tôi ngạc nhiên ở các con đường của Kenya là số lượng những con lươn giảm tốc độ. Chúng được đắp lên ở khắp mọi nơi, trên cả những con đường quốc lộ. Chiếc xe của chúng tôi vì thế dường như đươc đi trong tình trạng cà giật cà giật khi đi được một lúc lại phải giảm tốc độ đột ngột rồi bập bênh đi qua đống lươn giảm tốc độ.
Ở Kenya, báo chí và dân chúng cũng tham gia tích cực tranh luận tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết cho giao thông. Chính phủ Kenya đổi lỗi về phía người dân và cánh lái xe.
Theo lời của các quan chức trong ngành giao thông thì nguyên nhân chính là do ý thức của cánh lái xe thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu khi lái xe, bên cạnh đó là việc các xe thường xuyên chở quá tải và đã quá cũ kỹ. Trong khi đó các nhà xe lại cho rằng nguyên nhân chính đến từ chất lượng đường xá tệ hại, đội ngũ cảnh sát tham nhũng, áp lực về kinh tế...
Xét trên nhiều khía cạnh, Kenya không phải là một đất nước an toàn. Cuộc tấn công khủng bố dã man vào trung tâm thương mại Westgate vào tháng 9 vừa rồi đã trở thành nỗi đau lịch sử của quốc gia này với 72 người chết. Thế nhưng cần 4 vụ tấn công như thế mỗi tháng mới tương đương với số người chết vì tại nạn giao thông ở đây. So ra thì chủ nghĩa tôn giáo cực đoan cũng chẳng đáng sợ bằng giao thông kém chất lượng.
"Vì Chúa, hãy tặng tôi một món quà"
Đứng giữa bến matatu (một phương tiện công cộng như kiểu xe bus loại nhỏ ở ta), tôi hoàn toàn mất phương hướng giữa hàng trăm chiếc xe vào và ra. Xe ở đây không đánh số hay biển.
Không biết tiếng Swahili, tôi hoàn toàn chẳng hiểu nổi những người phụ xe đang hô cái gì. Dừng lại bên một anh phụ xe, tôi vội hỏi: "Xe có đi Village Market không?". Anh phụ xe chỉ về một phương hướng và nói: "Xe đi Village Market ở đằng kia". Và rồi nhận ra tôi là một Mzungu, anh nhiệt tình dẫn tôi đi qua nửa cái bến xe, hỏi han một tá người để rồi đưa tôi đến tận cửa xe đi Village Market. Vừa mới cảm ơn, chưa kịp lên xe thì anh chàng giữ tôi lại rồi nói: "Cậu biết không, tôi rất nghèo, tôi cần mua thức ăn cho con. Vì chúa, hãy tặng tôi một món quà". Không những thế, tất cả những người phụ xe xung quanh đều hùa theo: "Tôi cũng vậy, tôi cũng cần quà".
Hiển nhiên, tôi làm gì có tiền để "tặng quà" cho tất cả bọn họ, chỉ có thể lấy ra 1 đồng 20 sheiling đưa cho anh chàng "tốt bụng" kia.
Ở lại Kenya một thời gian tôi mới nhận ra rằng, lòng tốt ở đây cũng có giá của nó. Ở đây người ăn xin sẽ không xin tiền bạn, họ chỉ ngồi đó trên phố. Ngược lại, những người mà bạn coi là bạn, là người tốt, lại nói với bạn rằng họ cần tiền. Từ anh gác cổng, cô giúp việc, chị bồi bàn cho đến người bạn mà bạn mới quen cho tới người xa lạ mà bạn gặp trên phố. Họ xin tiền xăng, tiền mua thức ăn, tiền nạp thẻ điện thoại... hồn nhiên và tự nhiên như thể mua một món hàng thì phải trả tiền vậy.
Cô bạn đi cùng tôi shock. Một anh chàng đẹp trai sẵn lòng đèo cô một đoạn đường "tới" 20m để đến chỗ hẹn tôi, và dù nói rõ là đi nhờ, anh chàng đẹp trai ấy vẫn chìa tay ra đòi cô tiền cho sự "giúp đỡ" ấy. Mới hôm qua, cô ấy vừa nhắn tin cho tôi khoe rằng người dân ở thị trấn biên giới rất dễ thương, thức ăn ở đó rất ngon thì chỉ 5 phút sau cô ấy đã đau khổ mà nhắn rằng: "Chẳng lẽ ở đây không có người đối xử với mình tốt chỉ đơn giản là vì họ tốt thôi sao? Tại sao họ lúc nào cũng muốn thứ gì đó từ em?"
Mwega và trụ sở của Karika, một trụ sở không lấy gì làm sang trọng (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Lúc đầu tôi tin rằng nguyên nhân chính đến từ sự đói nghèo đang diễn ra ở quốc gia này. Cái sự nghèo đói nó ám ảnh tâm trí của người ta, ăn mòn lương tâm của những con người lương thiện. Tôi tin rằng, tội lỗi đến từ những cái dạ dày trống rỗng.
Thế nhưng khi nghe cô bạn kể về sự tốt đẹp mà cô chứng kiến ở Ghana hay Uganda, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Phải chăng đói nghèo thì nhất định sẽ khiến con người ta trở nên như vậy? Tại sao ở Ghana, ở Uganda, người dân không như vậy, dù họ cũng chẳng giàu có hơn người dân ở đây?
Và rồi tôi nhận ra, hoàn cảnh kinh tế có thể đẩy một người ra đường ăn xin, đẩy chàng trai trẻ trở thành một tên cướp, nhưng nó không dễ dàng khiến một người từ bỏ đi liêm sỉ để đòi tiền cho sự giúp đỡ của mình. Và ở đây không phải chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ.
Vẫn biết không thể chỉ vì một vài cá nhân mà đánh giá cả một dân tộc. Patrick, anh bạn Phillippine làm ở UN của tôi là một người kiên quyết đấu cho danh dự của người Kenya. Mỗi khi bị ai đó nói "This is Kenya" để biện hộ cho việc chặt chém, tăng giá, chất lượng dịch vụ tồi tệ là anh lại hét lên "Don't say Kenya, Kenya is good". Dù chịu bao nhiêu là sự "tệ bạc", anh vẫn rất yêu đất nước này, anh bảo ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, không thể lấy cả đất nước ra để giải thích cho cái xấu.
Mwega, giám đốc của NGO, kể rằng người dân Kenya vẫn luôn là những người rất thân thiện, nhiệt tình, và như bao người châu Phi khác, rất yêu âm nhạc. Ông cho rằng, chính thời kỳ đô hộ của người Anh, sự phát triển của du lịch một cách ồ ạt, sự xâm nhập của các tập đoàn như Coca Cola hay chính những khoản tiền từ thiện không đúng cách đã làm hủy hoại văn hóa và tư duy của người dân Kenya.
Nhưng những gì mà tôi chứng kiến vẫn khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về những gì có thể xảy ra với đạo đức của cả dân tộc.
Những ngày còn lại ở đây, tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào lòng tốt của người khác, bởi vì chẳng có xã hội nào tồn tại mà không còn lòng tốt, và cũng chẳng có ai chỉ toàn là xấu. Trong túi tôi vẫn giữ một vài đồng tiền lẻ để làm "quà" cho những người hỏi xin lòng tốt của tôi hay cần tôi trả cho lòng tốt của họ. Dù có ra sao thì lựa chọn cuối cùng vẫn là ở bạn, phải không?
8/1/2014
Hoàng Đức Minh