25% nữ sinh Anh từng là nạn nhân của các vụ tấn công tình dục, trong khi hơn 50% số đại học tại nước này chưa có chính sách cụ thể để bảo vệ sinh viên.

Thư ngỏ đến kẻ tấn công tình dục

"Tôi không biết gì về cậu. Nhưng tôi hiểu rõ đêm đó, cậu đã không chỉ tấn công tôi. Cậu tấn công tất cả những người liên quan đến tôi. Lá thư này không chỉ dành cho cậu, tôi muốn gửi nó đến tất cả các nạn nhân bị tấn công tình dục và cả cộng đồng. Cậu đã tấn công tình dục tôi và bây giờ, tôi bắt đầu chống lại cậu theo cách của mình.

Cộng đồng tôi sẽ không còn cảm thấy lo sợ khi đi bộ về nhà mỗi tối. Chúng tôi dám đi một mình vì không cảm thấy đang tự đặt bản thân vào hoàn cảnh nguy hiểm. Chúng tôi vẫn tiếp tục sát cánh bên nhau giống như một đội quân. Và khi một thành viên bị đe dọa, chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc chiến mà cậu chắc chắn thất bại".

  {keywords}

Phần lớn các đại học ở Anh chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nạn nhân bị tấn công tình dục. (Ảnh: The Guardian)

Đây là nội dung bức thư Ione Wells, nữ sinh 20 tuổi ở Đại học Oxford (Anh) đăng trên Twitter.

Lá thư dấy lên làn sóng ủng hộ trên Twitter và Facebook với hàng nghìn lượt chia sẻ kèm hashtag #notguilty để khuyến khích người khác kể lại câu chuyện của họ.

Ione cho biết, cô bỏ quyền giấu tên, công khai tên thật nhằm "kết nối với các nạn nhân" để họ biết rằng không đơn độc.

Chỉ vài ngày sau khi Ione Wells đăng bức thư, 3 nữ sinh Đại học Oxford liên hệ với báo Cherwell của trường để trao đổi về trường hợp của họ. Đây là dấu hiệu tích cực khi nạn nhân dám lên tiếng tố cáo tội phạm tấn công tình dục.

Nạn nhân cảm thấy bị bỏ mặc

Tháng 10/2011, Lindsay, sinh viên năm hai trường Luật Oxford, bị xâm hại tình dục khi trở về nhà sau buổi tụ tập với bạn bè.

Sau khi lấy báo cáo từ bệnh viện, Lindsay đến gặp nhân viên tư vấn nhưng anh ta bảo: "Đây không phải lỗi của cô, cũng không phải lỗi của kẻ tấn công".

Nạn nhân cũng trình báo vụ việc lên trường nhưng hầu như không được giúp đỡ. Cảnh sát cũng bỏ qua vụ án này, thậm chí cho rằng cô phải chịu trách nhiệm do uống say.

Lindsay không phải trường hợp duy nhất bị nhà trường và cơ quan thực thi pháp luật bỏ mặc.

Tháng 5/2014, Elizabeth Ramey bắt đầu cuộc chiến pháp lý chống lại các chính sách của Đại học Oxford trong việc điều tra những khiếu nại về tội phạm hiếp dâm và tấn công tình dục.

Cô bỏ quyền giấu tên để báo cảnh sát về vụ bị cưỡng hiếp trong năm 2011. Cảnh sát điều tra nhưng không truy tố do không có chứng cứ.

Sau đó, cô quyết tâm bắt thủ phạm đền tội thông qua thủ tục khiếu nại của Đại học Oxford, nhưng trường không điều tra cẩn thận, cũng không có hành động chống lại nghi phạm. Trên thực tế, các chính sách của Oxford giúp trường không phải điều tra cáo buộc về các vụ tấn công tình dục nghiêm trọng.

Theo Elizabeth, Đại học Oxford đang gián tiếp phân biệt đối xử đối với nữ giới, tạo nguy cơ biến họ thành nạn nhân.

"Các chính sách của trường khiến nạn nhân không dám tố cáo hung thủ vì biết trường hợp của họ sẽ không được điều tra và trường không kỷ luật kẻ tấn công họ", cô nói.

Trách nhiệm của các đại học

Theo khảo sát của Liên hiệp Sinh viên Quốc gia Anh, 15% nữ sinh bị tấn công tình dục và 7% là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp. Trong khi đó, hơn 50% đại học danh tiếng ở Anh không có dịch vụ giải quyết những vấn đề liên quan bạo lực tình dục.

Bảy trong số 24 đại học hàng đầu thuộc Tập đoàn Russell không có bộ phận chuyên trách ghi lại các cáo buộc hiếp dâm, tấn công và quấy rối tình dục. Năm trường, bao gồm Đại học Leeds, Liverpool, Cardiff, Manchester và Cao đẳng King London, thừa nhận họ không hướng dẫn cụ thể cho sinh viên cách báo vụ việc lên nhà trường hay cảnh sát.

Khác với Mỹ, các đại học ở Anh không có nghĩa vụ pháp lý phải ghi lại báo cáo về các vụ tấn công tình dục. Tuy nhiên, tình trạng trường bỏ mặc sinh viên đang tạo cơ hội cho những kẻ từng phạm tội tiếp tục gây án.

Cuối tháng 7/2015, tiến sĩ Wendy Piatt, Tổng giám đốc của Tập đoàn Russell, tuyên bố sẽ có hành động nhằm đảm bảo an toàn cho các nữ sinh.

"Các trường thuộc Russell phải xem xét vấn đề quấy rối, tấn công và bạo hành tình dục đối với phụ nữ một cách nghiêm túc. Tập đoàn có chính sách, thủ tục để đối phó với vấn đề này bởi chúng tôi coi trọng việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của sinh viên", ông nói.

Sau những lời chỉ trích vì trường thất bại trong việc bảo vệ sinh viên trước các tấn công tình dục, đầu tháng 8/2015, Đại học Cambridge sửa đổi quy định. Theo đó, sinh viên có thể trình báo vụ việc lên trường và được giải quyết bằng các thủ tục pháp lý.

Nhiều người coi đây là bước khởi đầu quan trọng nhằm đảm bảo chính sách chống quấy rối tình dục được áp dụng tại tất cả các trường đại học, cao đẳng ở Anh, theo The Guardian.

(Theo Zing News)