Đọc những bài viết quanh chuyện “Sốc với mâm cơm mẹ chồng nấu cho con dâu ở cữ” tôi không thể hiểu, vì sao các bà, các chị lại cổ vũ cho chuyện con dâu nói xấu bố mẹ chồng.

Nếu cô vợ trong bài viết là là vợ tôi, chắc chắn tôi sẽ ly dị ngay lập tức, không cần phải suy nghĩ nhiều.

Ở đâu có cái chuyện, mẹ chồng đã hì hụi nấu cơm, bưng lên đến tận miệng cho con dâu ăn, vậy mà không biết ơn, lại còn chụp ảnh đưa lên mạng, bêu xấu cho cả bàn dân thiên hạ biết.

Ở nhà tôi, tôi không gia trưởng độc đoán, cũng không cấm vợ lên mạng đọc báo, đọc tin, tham gia các diễn đàn hay mạng xã hội facebook, nhưng không bao giờ tôi cho phép vợ mình được “vạch áo cho người xem lưng”.

Chuyện gia đình, chuyện vợ chồng cãi cọ giận hờn, hay chuyện liên quan đến những người thân trong gia đình, chỉ được giải quyết trong gia đình, không bao giờ được mang lên internet để mà chia sẻ, tâm sự …

Lý do là vì, thời bây giờ, mạng internet phát triển, ai cũng có điện thoại, máy tính để truy cập. Vì thế, ở đó tồn tại đủ các nhóm người, người có văn hóa, người ít văn hóa, người không có văn hóa.

Khi 1 câu chuyện được đưa lên, nhiều người không cần biết đến nguyên do, cũng không cần phân tích đúng sai đã nhảy vào chửi bới, góp ý với mục đích phá đám chứ không phải là xây dựng.

Do đó, phần lớn các tâm sự đưa lên mạng, nhất là chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu, các bạn sẽ không tìm được lời khuyên tốt mà chỉ bồi thêm tư tưởng xấu.

 

{keywords}
Ảnh minh họa

Ở trường hợp này, tôi chắc chắn rằng, nàng dâu này, nếu không phải người ít văn hóa, suy nghĩ nông nổi, không chín chắn, không biết nhìn trước ngó sau thì cũng là người ích kỷ, tham ăn.

Một bữa ăn như thế, còn đòi hỏi như nào nữa mà không nuốt được rồi ấm ức. Muốn ăn nhiều sao không tự vào bếp mà nấu.

Các cụ già rồi, ở tuổi về hưu, lẽ ra, các cụ phải được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc, nuông chiều. Đằng này, con dâu đẻ, các cụ đã phải phục vụ, cơm nước, giặt giũ … không biết ơn các cụ thì thôi, lại còn lên mạng bêu xấu.

Mà trước khi chê bai, dè bỉu, bêu xấu bố mẹ chồng, sao các bạn không nghĩ đến chồng mình. Bố mẹ chồng chưa có công nhiều với các bạn, nhưng ít nhất, họ là người đã sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ chồng bạn nên người.

Ngay cả chuyện bạn và chồng bạn có thể về chung sống với nhau, bố mẹ chồng bạn cũng phải đầu đội lễ, miệng xin phép, rồi thủ tục đủ kiểu, các bạn mới được đường đường chính chính mà sống với nhau.

Còn khi sống cùng nhau, chuyện ăn uống, không hợp nhau là chuyện bình thường. Mỗi người phải nhường nhịn nhau, vì nhau mà sống. Còn không, hãy thẳng thắn trao đổi thói quen của mình. Các bạn không nói, sao người ta hiểu để mà thay đổi. Còn nói thế nào để họ hài lòng và làm theo đó là cái tài của các bạn.

Các bạn khôn khéo thì các bạn sướng, còn không thì các bạn khổ. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – các cụ nói có sai bao giờ.

Trọng Bình

(Hà Nội)