Những chương trình trại hè quân đội chắc hẳn chẳng còn lạ lẫm với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, với nhà tôi, đó lại là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Sau khi tham khảo bạn bè, tôi bàn với ông xã việc cho cậu nhóc học lớp 4 đi trại hè dài 7 ngày. Chồng tôi phản đối ngay lập tức. Anh gắt gỏng: "Con nó đã tự lo được cho mình đâu mà gửi vào những trại hè đó? Nếu em muốn rèn giũa con thì cho tham gia mấy lớp học hè ở trường là được rồi".

Tôi phải tốn không ít thời gian để thuyết phục chồng. Trại hè là cơ hội để các con học hỏi thêm nhiều kỹ năng. Đó là kỷ luật ăn - ngủ - nghỉ đúng khoa học, là tinh thần đồng đội, hay những kỹ năng mềm khác... Các con được dạy kỹ năng tự vệ cơ bản, phòng chống bạo lực học đường. Các con được rèn rũa kỹ năng giao tiếp, hoà nhập với bạn bè đồng trang lứa. Đây là những kỹ năng cần thiết để cậu nhóc lớp 4 vẫn cần bà đút cơm, vẫn chờ bố về tắm của tôi tự tin và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Ảnh minh họa

Ông xã tạm thời xuôi lòng thì tôi phải đối mặt với "cửa ải" thứ hai là ông bà nội ngoại. Ông bà nội ở cùng chúng tôi nên đặc biệt quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ... của cháu. Nghe nói "cháu đi bộ đội", ông bà mắt tròn mắt dẹt và bảo tôi "dở hơi".

Bà gắt gỏng: Chị sợ tôi không trông được thằng bé hay sao mà bắt nó đi thế... Rồi lại than vắn thở dài: Nam Anh còn bé, Nam Anh chưa biết làm cái gì cả, đi thế thì sống thế nào? Ông thì bàn: Hay cho con sáng đi tối về, ông trả tiền xe, mẹ nó không cần lo? Thậm chí, khi ông bà ngoại nghe tin cũng tức tốc có mặt ở nhà tôi. Tôi cảm giác chỉ thiếu một cuộc họp gia đình để mổ xẻ quyết định của mình.

Cậu nhóc được ông bà ủng hộ càng vùng vằng, không chịu nghe lời mẹ. Cuối cùng, tôi hết lời khẳng định con đi sẽ thích, tiến bộ hơn và phải cam kết thằng bé sẽ đi ngoan về khoẻ, cả nhà mới yên tâm chuẩn bị cho hành trình dài cả tuần này...

Lần đầu tiên xa nhà một mình, cậu nhóc khá lo lắng. Bản thân tôi là người quyết định cho con tham gia trại hè cũng hồi hộp. Đêm trước khi cậu nhóc lên đường, tôi không ngủ được và hỏi chồng: "Em quyết định thế có sai không nhỉ?". May mà ông xã không bàn lùi. Và đúng 1 tuần sau, tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi biết mình đã đúng. Cậu công tử bột của tôi rắn rỏi và tự tin hơn nhiều.

Từ cậu nhóc mà sáng nào bố mẹ cũng phải đánh thức cho kịp giờ học, đúng 21.30 con lên giường, tới 6.00, cháu tỉnh giấc, tập vài động tác thể dục rồi đánh răng, rửa mặt. Anh chàng "phân tích" đánh răng phải thế này mới sạch, súc miệng thế này mới chuẩn và không ngừng líu ríu: "Bây giờ buổi sáng, ông đi tập thì rủ con đi cùng nhé. Bố ơi, bố con mình đánh cầu lông hay bơi cùng nhau không? Bố mà không vận động là thành ông béo bụng phệ đấy nhé"...

Mẹ chuẩn bị đồ ăn trong bếp, con xung phong bưng ra bàn cho mọi người: "Mẹ cứ đặt vào khay, con bưng được mà. Ở trại hè, bọn con chia nhau bưng đồ ăn về bàn nên con quen rồi". Bà đi chợ về tới cửa là con chạy ngay ra kéo làn vào bếp và giúp bà xếp đồ. Chàng trai của tôi đã biết tự tắm gội (dù chưa sạch lắm), biết cất quần áo bẩn vào chậu giặt, chủ động gấp quần áo giúp bà, đọc sách, chơi đồ chơi xong là cất ngăn nắp...

Điều khiến tôi vui mừng nhất là Nam Anh gần như không mê mệt điện thoại, iPad hay TV nữa. Cậu nhóc bảo các thầy cô khuyên không nên xem iPad, TV nhiều: "Chỉ hỏng mắt và học điều vô bổ. Rồi sau này muốn làm phi công cũng không được tuyển vì mắt cận ấy. Đọc sách hay chơi cờ, chơi bóng thú vị hơn". Chưa kể, cháu còn tập được thói quen viết nhật ký. 7 ngày xa nhà, cậu nhóc viết được... 7 trang nhật ký. Ông bà khen là văn hay, chữ đẹp nên Nam Anh khoái lắm.

"Ông kễnh" tự bảo: "Mỗi ngày con sẽ viết một trang nhật ký để ghi lại các kỷ niệm trong cuộc sống. Khi nào quay lại trại hè, con còn phải báo cáo thầy Quân, cô Linh và chú chỉ huy Trường... Mà sau này, con lớn hoặc khi chị Mây đi du học về đọc lại sẽ thú vị lắm".

Con trai tôi thậm chí còn bảo, khi nào bố mẹ lại cho con đi trại hè nhé. Tôi trêu cháu là tốn kém phết, để mẹ đi làm cày tiền đã. Thế là ông bà nội xung phong "chủ chi" luôn nhưng với điều kiện "đi chuyến ngắn thôi, không ông bà nhớ lắm".

Lý Thanh Thuỳ (Mạc Thái Tổ - Hà Nội)