Trước khi lấy Ánh, tôi cũng như nhiều anh con trai khác, nơm nớp lo sợ cuộc đấu tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu, sự xuất hiện thêm một “người đàn bà thứ hai” bao giờ cũng rắc rối và kéo về những phiền toái. 

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Khi tôi kể ra những nỗi lòng này hẳn nhiều người sẽ cười tôi. Bởi vì tôi đã từng đố kỵ với tình yêu mà mẹ tôi dành cho con dâu. Nhưng mọi chuyện đều có lí do của nó...

Tôi năm nay 27 tuổi, là kiến trúc sư của một công ty danh tiếng. Vợ tôi 26 tuổi, là một nhà thiết kế thời trang của một công ty cũng rất nổi tiếng. Tiền lương của vợ chồng tôi chẳng mấy khi phải dùng đến bởi chỉ riêng tiền thưởng cũng đã đủ chi tiêu. Vì vậy, cuộc sống của gia đình tôi khá dư giả. Trước khi lấy Ánh, tôi cũng như nhiều anh con trai khác nơm nớp lo sợ cuộc đấu tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu, sự xuất hiện thêm một “người đàn bà thứ hai” bao giờ cũng rắc rối và kéo về những phiền toái. Thú thật, tôi cũng sợ mẹ và cô ấy không hợp nhau. Thứ vì tôi là con một, được bố mẹ cưng chiều như cậu ấm, là niềm hi vọng của cả dòng họ. Phần vì vợ tôi lại là một nhà thiết kế thời trang nên cô ấy ăn mặc khá màu mè nên tôi sợ mẹ sẽ khó ưa cô ấy.

Về phần Ánh, cô ấy không có gì đáng chê. Tính tình cởi mở, vui vẻ và lễ phép với người lớn. Duy chỉ có điều làm tôi thấy lo như đã nói ở trên, có thể vì bệnh nghề nghiệp, cô ấy ăn mặc rất màu mè, sành điệu. Tuy không hở hang nhưng tôi sợ bố mẹ chỉ trích. Mẹ tôi là một người phụ nữ nho nhã, trước đây mẹ cũng từng tâm sự với tôi rằng bà thích những cô gái ăn mặc giản dị, dịu dàng, ý tứ, không thích những cô nàng lòe loẹt xanh đỏ. Thế mà từ ngày Ánh về đây, mẹ tôi thay đổi hẳn. Tôi cứ ngỡ như Ánh bỏ thuốc mê mẹ tôi vậy. Không những mẹ không phản đối kiểu ăn mặc thời thượng của cô ấy mà mẹ còn cổ xúy, không hết lời khen ngợi cô ấy biết cách ăn mặc, biết cách phối màu. Cuối tuần, họ còn hẹn hò với nhau đi mua sắm, mẹ nhờ cô ấy chọn quần áo cho, đem về nhà, hai mẹ con cứ tíu ta tít tít, thử rồi ngắm rồi khen ngợi nhau. Chính vì thế mà tôi đã thấy mình lo hão. Và dần dà, tôi cũng quen với phong cách ăn mặc mới của mẹ, nhưng cũng từ đó, tôi chứng kiến những thay đổi của mẹ, sự quan tâm một cách khó hiểu và thái quá với vợ tôi, không ít lần làm tôi cảm thấy khó chịu và ghen tỵ.

Tôi lấy làm khó nghĩ vì mẹ tôi chiều chuộng Ánh một cách quá mức. Không phải vì tôi xấu tính mà đi ghen ghét vớ vẩn với vợ mình, song tôi cảm thấy có điều gì đó thật khó hiểu ở mẹ. Ánh về làm dâu nhà tôi, chẳng mấy khi phải đụng tay đụng chân việc gì. Chỉ thi thoảng cuối tuần, mới vào bếp phụ mẹ nhặt rau, làm những việc lặt vặt. Tôi nghĩ, kiểu chiều con dâu như mẹ cũng chỉ có một trên đời. Cứ như mẹ sợ cô ấy bị đứt tay hay đứt mấy sợi tóc mà thường tranh phần việc nhà của cô ấy. Nhiều lần vợ tôi cũng cảm thấy khó xử trước những hành động đó của mẹ. Nói ra lại sợ làm mẹ tôi buồn lòng. Ngày xưa, khi tôi đi làm về thường được mẹ rót cho cốc nước mát, rồi hỏi han đủ thứ chuyện. Còn từ khi có Ánh, mẹ chỉ quan tâm hỏi han cô ấy, công việc có vất vả mệt nhọc lắm không, có chuyện gì thú vị không? Tôi bảo mẹ thiên vị quá, song mẹ tôi chỉ cười và bảo “cha bố nhà anh, đi ghen tỵ với vợ hử?” Nhưng thú thật là tôi cũng có chút ghen tỵ trong lòng. Bởi là con một, được mẹ chiều chuộng quân tâm từng tý nay không được như thế, mà ngày nào cũng chứng kiến cảnh mẹ tôi với con dâu quấn quýt vui vẻ mà tôi như có cảm giác bị cho ra rìa vậy. Tôi cứ như người thừa. Nếu mà tôi nói ra với vợ như vậy, thì tôi không còn mặt mũi của một thằng đàn ông. Thế nên tôi cứ thi thoảng ấm ức trong lòng. Nhưng cũng chỉ ấm ức một tý thôi, dẫu sao cũng thật may mắn vì mẹ tôi rất yêu thương vợ tôi.

Tôi biết mẹ thương Ánh vì mẹ đẻ của cô ấy mất sớm, nên mẹ muốn bù đắp những tình cảm thiêng liêng cho cô ấy. Song có thể vì quá thương mà những hành động của mẹ hơi quá đà, đến nỗi hàng xóm cũng lời ra tiếng vào vì cái sự chiều con dâu của mẹ. Song mẹ đều làm ngơ trước những lời đàm tiếu, mẹ bảo, họ chẳng hiều cái gì. Từ khi Ánh làm dâu, nhà tôi trở nên vui vẻ hẳn. Nhưng tôi ghen tỵ với mẹ, vì dường như vợ tôi ở bên cạnh mẹ nhiều hơn là ở bên cạnh chồng. Những quan tâm thái quá của mẹ dành cho nàng dâu, có đôi lúc cũng phiền hà đến cuộc sống riêng tư của vợ chồng tôi.

Có một buổi chiều cuối tuần, mẹ và vợ tôi đi chơi, để tôi ở nhà một mình. Buồn buồn, tôi sang nhà bố vợ chơi và tâm sự với bố chuyện mẹ và nàng dâu. Bố bật cười và kể cho tôi nghe một câu chuyện. Câu chuyện khiến tôi vỡ lẽ được vì sao mẹ lại đối xử với Ánh như vậy.

Ngày xưa, mẹ tôi và người mẹ quá cố của vợ tôi là bạn học rất thân thiết với nhau. Hai người dường như không có bí mật gì với nhau cả, đều có chung những sở thích. Họ đều thích thơ của Puskin và có lẽ vì thế mà mẫu người đàn ông của họ cũng giống nhau. Bố của tôi lúc bấy giờ là một thấy giáo ngữ văn, mà mọi người vẫn thường gọi là thầy Thành. Mẹ vợ tôi là sinh viên sư phạm khoa sử mới tốt nghiệp. Thầy Thành và mẹ vợ tôi đã nảy sinh tình cảm trong những ngày thầy lên giảng đường dạy lớp mẹ của Ánh. Họ đã ước hẹn với nhau khi nào mẹ Ánh ra trường, ổn định công việc sẽ cưới nhau. Chuyện đó mẹ cũng tôi cũng được mẹ Ánh tâm sự. Nhưng mẹ của Ánh lúc bấy giờ không biết rằng, đã từ lâu mẹ cũng đã thầm yêu trộm mến thầy Thành, tức là bố của tôi hiện tại. Vào những năm 65, khi Mỹ tăng cường triển khai chiến dịch "Chiến tranh đặc biệt", mẹ của Ánh lúc bấy giờ là một thanh niên miền Bắc yêu nước đã lên đường nhập ngũ tham gia giải phóng miền Nam Việt Nam. Không hiểu vì thất lạc chiến tranh, hay vì sai sót mà người ta đã điện báo cho người nhà của mẹ vợ tôi rằng bà đã hi sinh. Bố tôi ngày đó cũng đã hết sức đau buồn và suy sụp. Nhưng mẹ đã luôn bên cạnh, động viên và an ủi bố. Rồi bố cũng dần nguôi ngoai nỗi nhớ về mẹ của Ánh, và hai người đã kết hôn với nhau, một đám cưới giản dị với sự ủng hộ của hai bên gia đình. Họ đã yêu thương nhau và kết quả của tình yêu đó là sinh ra tôi trong niềm vui sướng hân hoan của mọi người.

Nhưng trong cái ngày vui đó, mẹ của Ánh trở về trong sự ngạc nhiên của nhiều người, của bố mẹ tôi, bà trở về trong niềm vui sướng như vỡ òa của gia đình mẹ Ánh, trong nỗi khó xử của bố mẹ tôi. Nhưng mẹ của Ánh là một người phụ nữ sâu sắc. Bà đã đến gặp bố mẹ tôi, chúc mừng hạnh phúc và chúc mừng vì mẹ đã hạ sinh ra một bé trai kháu khỉnh là tôi. Rồi từ đó, mẹ của Ánh cũng ít liên lạc với bố mẹ tôi. Bẵng đi một thời gian, mẹ tôi nghe nói cô ấy đã lấy chồng và sinh được một cô con gái. Nhưng điều mà mẹ tôi không ngờ rằng tôi đã yêu một cô gái, và cô gái đó giống y hệt người bạn năm xưa của mẹ. Mẹ đã đi tìm hiểu một mình và phát hiện ra rằng Ánh chính là con gái của bạn mình, là mối tình đầu của bố tôi bây giờ. Mẹ đã giấu kín chuyện này và đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao mẹ lại yêu thương Ánh đến như vậy. Có thể vì mẹ cảm thấy có lỗi. Có thể vì mẹ mong ước có một cô con gái. Nhưng dù sao, khi nghe được câu chuyện này từ bố vợ, lòng tôi bỗng nhiên nhẹ nhõm, tôi mỉm cười và có lẽ từ nay tôi không nên ghen tỵ với vợ nữa, tôi phải yêu thương cô ấy và quan tâm mẹ mình nhiều hơn nữa, bởi đó là “hai người đàn bà” quan trọng nhất của cuộc đời tôi.

Cẩm Vân

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.