Ngày 2/11, Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) khiến nhiều người bức xúc khi chia sẻ tấm ảnh so sánh thái độ tiếp viên hàng không của hai hãng bay Việt Nam.

Trong bức ảnh nữ tiếp viên của Vietnam Airlines đưa tay che máy ảnh và tỏ ra khó chịu, Hiếu Orion đã ghép thêm biểu tượng có ý nghĩa xúc phạm rồi đăng trên trang cá nhân.

Hình ảnh này ngay lập tức bị dân mạng chỉ trích là thiếu văn hóa và miệt thị người khác. Nhiều ý kiến cho rằng chưa tính tới chuyện người được chụp là tiếp viên hàng không, việc Hiếu Orion cố ý tiếp cận, chụp ảnh cô gái khi chưa được cho phép đã là hành vi quấy rối.

Tại nhiều quốc gia, hành động quay phim, chụp ảnh người khác mà chưa có sự đồng ý kể cả nơi công cộng bị xem là xâm phạm quyền riêng tư, quấy rối.

Để ngăn chặn tình trạng trên, pháp luật các nước này còn đưa ra nhiều biện pháp răn đe, trừng phạt khá nặng tay với loại tội phạm này.

Toi xuc pham tiep vien cua Hieu Orion se bi xu nang o nhieu nuoc hinh anh 1
Tại nhiều quốc gia, hành động quay phim, chụp ảnh người khác mà chưa có sự đồng ý kể cả nơi công cộng bị xem là xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh: Getty.

“Họ trơ trẽn xem đó là điều hiển nhiên”

Choi Ra-eun (nhân vật từ chối tiết lộ tên thật) vẫn nhớ rõ ngày cuối năm khi cô nhìn thấy người đàn ông bí mật chụp ảnh một người phụ nữ khác từ phía sau tại siêu thị.

Choi ngay lập tức thông báo cho nhân viên bảo vệ của siêu thị. Khi nhân viên kiểm tra điện thoại của người đàn ông, họ đã tìm thấy hàng loạt bức ảnh chụp những phụ nữ tại nhiều địa điểm khác nhau, từ chợ đến trạm xe buýt.

"Tôi sợ đi mua sắm khá lâu sau sự cố đó", Choi nói với hãng thông tấn Yonhap.

Cô gái 29 tuổi cảm thấy việc phụ nữ sống một mình tại xứ sở kim chi là "thử thách đáng sợ".

Tuy nhiên, không chỉ Hàn Quốc, nữ giới ở các quốc gia khác cũng từng có những trải nghiệm tương tự khi bị người khác quay phim, chụp ảnh không xin phép ở nơi công cộng.

Toi xuc pham tiep vien cua Hieu Orion se bi xu nang o nhieu nuoc hinh anh 2
Hơn 30% phụ nữ từ 18-24 tuổi cho biết họ từng bị người khác chụp ảnh mà không xin phép ở nơi công cộng. Ảnh: Kaspersky.

Sophie Newton (27 tuổi), người mẫu và diễn viên ở Anh, từng bị 3 người đàn ông quay phim, chụp ảnh mà không hề hỏi ý kiến trên một chuyến bay cách đây 7 năm.

“Từ khe hở giữa các băng ghế, tôi thấy họ giơ điện thoại lên và liên tục quay chụp. Khi tôi tỏ ra khó chịu, họ chỉ cười cợt trơ trẽn và xem đó là điều hiển nhiên”, người mẫu kể.

Newton đã không đôi co gì thêm vì quá bối rối và cũng không muốn gây thêm sự chú ý.

"Tôi cứ ngồi đó sững sờ, mặt đỏ lên và gần như khóc. Tôi cảm thấy bị xâm phạm và tức giận khi họ cho rằng mình có quyền làm điều đó”, Newton kể.

Người mẫu 9X nói thêm sau vụ việc cô luôn cảnh giác với những nhóm đàn ông lớn tuổi khi đi một mình trên các phương tiện công cộng.

"Nó làm tôi cảm thấy bất an và lo lắng”, Newton chia sẻ.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 cho thấy hơn 30% phụ nữ từ 18-24 tuổi nói họ từng bị người khác chụp ảnh mà không xin phép ở nơi công cộng.

Còn theo khảo sát năm 2017, các phương tiện giao thông công cộng là nơi mà nhiều người phản ánh bị chụp ảnh, quay phim lén, không được hỏi ý kiến.

39% người từng thừa nhận chia sẻ ảnh của người lạ trên mạng cho biết họ đã chụp ảnh trên phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, 26% đã chụp lén trên đường phố và 20% trong nhà hàng hoặc quán bar.

Hãy bình tĩnh và thẳng thắn nói không

Nhiều người từng bị người khác quay phim, chụp ảnh mà không xin phép ở nơi công cộng nói họ cảm thấy khó chịu và coi đây là hành vi quấy rối nhưng thường không biết phải làm gì trong trường hợp này.

Chuyên gia giám sát và bảo mật Steve Roberts cho biết: “Trong hầu hết trường hợp, người quay lén thậm chí không nghĩ họ đang vi phạm quyền riêng tư và quấy rối người khác”.

Chuyên gia này cho rằng mọi người nên cảnh giác hơn với việc bị quay phim, chụp ảnh nơi công cộng vì nhiều khả năng hình ảnh sau đó sẽ bị sử dụng với mục đích xấu.

"Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng hình ảnh của người lạ để thiết lập hồ sơ hẹn hò trực tuyến và trang cá nhân giả mạo để lừa gạt, quấy rối mọi người", ông Roberts giải thích.

Toi xuc pham tiep vien cua Hieu Orion se bi xu nang o nhieu nuoc hinh anh 3
Toi xuc pham tiep vien cua Hieu Orion se bi xu nang o nhieu nuoc hinh anh 4
Các phương tiện giao thông công cộng là nơi mà nhiều người phản ánh bị chụp ảnh, quay phim lén, không được hỏi ý kiến. Ảnh: NBC, New York Times.

Một số nước có án phạt khá nghiêm khắc với tội phạm quay lén. Luật pháp UAE quy định chụp ảnh hoặc quay video người khác là xâm phạm quyền riêng tư của họ và có thể bị phạt tiền từ 150.000 AED (khoảng 41.000 USD) đến 500.000 AED (136.000 USD), ngoài ra có thể ngồi tù 1 năm.

Luật hình sự của Hàn Quốc quy định bất kỳ ai phát tán hoặc bán hình ảnh được chụp mà không có sự đồng ý của nhân vật được xem là quấy rối tình dục và có thể bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu won (9.259 USD).

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nữ giới vẫn cảm thấy không an toàn vì rất ít người vi phạm thực sự bị trừng phạt mạnh tay.

"Phụ nữ không thể tìm thấy sự thoải mái ngay cả ở những nơi trước đây được coi là an toàn, chẳng hạn như trường học và bệnh viện", Yun-Kim Jiyeong, giáo sư tại Viện Văn hóa và Cơ thể của ĐH Konkuk, nói.

Trước vấn nạn quay phim, chụp ảnh lén ngày một nghiêm trọng trên các phương tiện công cộng, Cảnh sát Giao thông Anh khuyến cáo người dân trước hết nên biết cách tự bảo vệ mình.

"Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho bạn. Nếu có bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn của bạn thì hãy tránh xa, gọi cảnh sát, cảnh báo các thành viên khác. Đối đầu với thủ phạm không phải lúc nào cũng được khuyến khích", Cảnh sát Anh đưa ra thông báo.

Còn theo chuyên gia giám sát và bảo mật Steve Roberts, lời khuyên hữu ích nhất với khi bị quấy rối bằng máy ảnh ở nơi công cộng đó là: Hãy bình tĩnh và thẳng thắn nói không.

"Bạn cần nói rõ rằng mình không muốn bị chụp ảnh và yêu cầu người đối diện xóa ảnh. Nếu không được đừng ngại ngần lên tiếng, nhờ người xung quanh, cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ", ông Roberts nói.