- Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị triển khai kế hoạch bầu cử đại biểu QH và HĐND, 10/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Quy trình bầu cử phải thật dân chủ, đúng pháp luật, không nên để dư luận cho rằng việc bầu chỉ là hình thức vì đã chọn trước cả rồi”.
Trong buổi sáng, các thành viên Hội đồng bầu cử lần lượt trình bày chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan đến công tác bầu cử nhiệm kỳ mới. Buổi chiều, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử) đã điều hành phiên thảo luận.
Tổng Bí thư: Tránh dư luận nhân
dân cho rằng có thể đi bầu hộ... |
Phụ trách công tác bầu cử ở các địa phương nhiều năm qua, nhưng nhiều đại biểu dự Hội nghị vẫn còn không ít thắc mắc quanh chuyện đảm bảo cơ cấu, tự ứng cử…
Nhiều ý kiến chỉ ra mâu thuẫn giữa “cơ cấu” và chất lượng - những vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động và tính đại diện của Quốc hội.
Ngay các thành viên Hội đồng bầu cử như Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cũng đều “than”: Rất khó để thiết kế được một cơ cấu hợp lý, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn.
“Chẳng hạn để cơ cấu một nữ đại biểu vừa trẻ, lại vừa ngoài Đảng, là người dân tộc nữa là rất khó”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói. Ông Tuấn cũng hứa sẽ sớm soạn thảo trình Chính phủ các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, cơ cấu để tiện cho địa phương áp dụng.
Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho rằng, đây vẫn là cái khó từ nhiều nhiệm kỳ trước. Nào cơ cấu nữ, trẻ, rồi tỷ lệ ứng viên Trung ương…
“Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hay một số bộ ngành khác trong chỉ tiêu cứng cũng không thể tìm ra được cán bộ nữ hoặc người trẻ. Nên bây giờ, tiêu chuẩn về độ trẻ cũng phải nâng lên thành 40 tuổi. Rồi số ứng viên do Trung ương giới thiệu về địa phương thì đề nghị ở dưới quán triệt để bầu tập trung”, ông Tuyên nói.
Thừa nhận tìm ra một ứng viên vừa trẻ, vừa là nữ, lại là người dân tộc và không phải đảng viên là rất khó, nhưng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù tiêu chuẩn, cơ cấu hay bất kỳ vấn đề gì thì trọng tâm vẫn phải là tìm được ứng viên đại diện cho người dân.
“Con người là khâu trung tâm. Nên kết hợp thật hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Từ tiêu chuẩn mà xây dựng cơ cấu. Chứ không nên quá chú trọng cơ cấu mà quên tiêu chuẩn”, ông Trọng nhắn nhủ.
Tân Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong hoạt động nghị trường, các dân biểu thuyết phục nhau không phải từ vị trí công tác, chức vụ mà bằng tài năng, kinh nghiệm, lý lẽ. Người được giới thiệu ứng cử phải hội đủ phẩm chất, năng lực trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
“Nói như vậy nhưng cũng không được quên yếu tố cơ cấu, để đảm bảo tính đại đoàn kết toàn dân. Vì Quốc hội vừa là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng cũng là cơ quan đại diện cao nhất”, ông Trọng khẳng định.
Như vậy, các vòng hiệp thương phải được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, tránh bệnh hình thức.
“Để cuộc bầu cử phải diễn ra dân chủ, đúng pháp luật. Tránh dư luận nhân dân cho rằng có thể đi bầu hộ, một người bầu cho cả gia đình, hoặc chuyện đi bầu chỉ là hình thức vì đã chọn sẵn từ trước”, Tổng Bí thư lưu ý.
Theo dự kiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ diễn ra ngày 26/2. Hội nghị sẽ thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử. Hội nghị lần hai sẽ diễn ra sau đó một tháng.
Cũng trong chiều nay, nhiều vấn đề khác đưa ra tranh luận nhưng chưa ngã ngũ.
Chẳng hạn, liên quan đến quy trình, thủ tục cho người tự ứng cử, đại diện của TP.HCM nêu ý kiến, do địa bàn thành phố luôn có số người tự ứng cử cao nên nếu quy định chưa thực sự hợp lý sẽ rất khó cho người làm tổ chức. Chẳng hạn, người tự ứng cử nếu vắng mặt đột xuất (do bệnh nặng hoặc do đột xuất bị cử đi công tác) thì có quyền ủy nhiệm cho người khác thay mình đi dự hội nghị cử tri để trình bày chương trình hành động (với một số thủ tục ủy nhiệm bắt buộc).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Pha, đại diện MTTQ giải thích, quy định vậy thôi nhưng chẳng mấy khi áp dụng bởi nếu ứng viên đã bỏ công sức ra vận động ứng cử thì không dại gì lại ủy quyền cho người khác đi tiếp xúc cử tri hộ.
Cho rằng đây là một “ưu đãi” với người tự ứng cử, một đại biểu Hà Nội đề xuất, mọi ứng viên đáng lý đều phải được hưởng quyền lợi này. Không chỉ người tự ứng cử mà mọi ứng viên đều nên được phép ủy quyền cho người khác đến dự hội nghị cử tri (nếu bận).
Do các ý kiến quanh vấn đề này còn khác nhau, nên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “chốt” lại, sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo với Hội đồng bầu cử.
Như vậy, sau hội nghị toàn quốc hôm nay, tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ bắt đầu.
Cho đến nay, Hội đồng bầu cử đã thành lập ba tiểu ban: tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, tiểu ban an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử gửi đến.
Ngày 12/5, Hội đồng Bầu cử và Ủy ban Bầu cử ngưng xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử.
Cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND diễn ra cùng một ngày (22/5) sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Lê Nhung