Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, sáng 25/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Tham gia đoàn có các đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, cùng một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN |
Theo TTXVN, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có Tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018).
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến khu vực Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững… góp phần khẳng định, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp cho biết, hai nước Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cấp đại sứ từ ngày 12/4/1973. Trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước đã phát triển hết sức tốt đẹp với quy mô hợp tác toàn diện và trong nhiều lĩnh vực có mức độ hợp tác sâu sắc, đặc biệt là văn hóa giáo dục hợp tác phi tập trung.
Dựa trên nền tảng đó từ năm 2013, hai nước đã quyết định thiết lập đối tác chiến lược. Pháp đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác chiến lược không thể thiếu của Pháp ở châu Á, nhất là với vai trò và những đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việc Việt Nam là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như triển vọng rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được ký kết thông qua sẽ mở ra những cơ hội mới giữa Việt Nam với Pháp.
Theo Đại sứ Nguyễn Thiệp, trong bối cảnh có nhiều biến động ở châu Âu, quyết tâm cải cách, thay đổi của nước Pháp cũng như các tiến triển tích cực về vai trò của Việt Nam ở khu vực, thế giới, nhất là hội nhập của Việt Nam vào thương mại quốc tế, chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ là một cơ hội mới quan trọng để đưa hợp tác chiến lược Việt Nam - Pháp sang một giai đoạn mới sâu sắc, toàn diện hơn vì lợi ích của hai nước.
Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết thêm: Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký hàng loạt văn bản hợp tác quan trọng về các lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, công nghệ vũ trụ, sở hữu trí tuệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, du lịch, giáo dục… và một số hợp đồng kinh tế giá trị lớn, dài hạn. Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ thảo luận về những đường hướng chiến lược và những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới cho phép đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
(Theo VGP)