Tại buổi Tọa đàm về văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên ngày 1/3, ông Hồ Đức Phớc cho hay trong quá trình công tác, có rất nhiều sức ép buộc các kiểm toán viên phải giữ được bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp.
Dẫn chứng về kết quả xử lý kiến nghị tài chính của ngành, năm 2016 là 11 nghìn tỷ đồng, đến 2017 tăng lên 37 nghìn tỷ và năm 2018 là 45 nghìn tỷ đồng, ông Hồ Đức Phớc nhận xét kết quả kiểm toán là “con số biết nói”. “Điều đó thể hiện sự nỗ lực của ngành kiểm toán, đặc biệt là các kiểm toán viên, khi tính độc lập và chuyên nghiệp được nâng lên rất nhiều”, ông nhận xét.
Ông Hồ Đức Phớc lưu ý kiểm toán viên, hồ sơ tài liệu phải bảo đảm bảo mật cả phần nháp, phần bằng chứng, nếu để lộ lọt ra ngoài rất nguy hiểm. |
Khi các kiểm toán viên chia sẻ thông tin về việc trong quá trình kiểm toán có thể bị can thiệp bởi người nhà, người thân, cấp trên hay người có mối quan hệ thân thiết của đơn vị được kiểm toán nhằm cam thiệp hoặc xử lý nhẹ tay các trường hợp vi phạm của đơn vị,... với rất nhiều sức ép, ông Hồ Đức Phớc cho hay bản thân ông cũng chịu nhiều sức ép tương tự. Thậm chí, 2.000 kiểm toán viên chịu sức ép như thế nào thì các sức ép đó đều dồn lên Tổng kiểm toán.
Ông Phớc nhấn mạnh, điều quan trọng là mỗi kiểm toán viên phải giữ được đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, trước mỗi đối tượng “gây sức ép” có cách giải quyết riêng. Chẳng hạn, với bạn bè thân thì phải giải thích rõ ràng và nói thẳng “không giải quyết được”; còn nếu cấp trên tác động cũng phải giải thích lại hoặc xin ý kiến.
“Tôi tin chắc lãnh đạo cấp trên không ai dám lái một kết quả đi sai lệch với kết quả mà chúng ta đã phát hiện và có đầy đủ bằng chứng chắc chắn. Nhưng cũng có những trường hợp chúng ta phát hiện ra một vấn đề nhưng chưa đủ bằng chứng, hoặc góc nhìn của chúng ta chưa đủ cơ sở để kết luận hoặc đánh giá một cách chính xác, thì cấp trên sẽ phân tích, chỉ ra cho mình”, ông Phớc nói.
Từ đó, ông mong các kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán với nhiều sức ép cần giữ cho mình được tính độc lập, khách quan, và cơ bản nhất là sự liêm chính, “nói phải củ cải cũng nghe”.
Ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN, cũng thừa nhận, trong quá trình kiểm toán luôn có ý kiến xem xét, nhờ vả thậm chí cả đe dọa. Tùy từng trường hợp mà kiểm toán viên cần có cách xử sự khác nhau.
Ngoài ra, để bảo vệ và nâng cao uy tín của ngành, ông Hồ Đức Phớc lo ngại kết luận kiểm toán có thể sai lệch do chịu sự tác động, hay sức ép nào đó. Ông dẫn chứng, việc đánh giá kết luận về vấn đề thuế, hôm nay đánh giá công ty này phải truy thu 100 tỷ, nhưng hôm sau họ khiếu nại xuống còn 50 tỷ, rồi hôm sau lại khiếu nại xuống còn 30 tỷ đồng.
Ông đặt câu hỏi: “Như vậy thì mình đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Có bị tác động gì không hay mình cũng kém đến mức làm sai?… ”.
Ngoài ra, cũng cần đòi hỏi tính thận trọng cao ở mỗi kiểm toán viên. Ông Hồ Đức Phớc chia sẻ, vừa rồi KTNN làm về Luật Thuế, muốn tiến đến kiểm toán thuế, kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế,... Tuy nhiên, các bộ ngành không đồng ý và họ dẫn chứng là KTNN vừa qua để xảy ra 14 vụ việc phải ra tòa mà không xử 10 vụ, để cho ngành thuế sai, chứng tỏ năng lực của kiểm toán viên còn hạn chế.
“Khi chúng ta kết luận không đúng, đến lúc hậu kiểm, cơ quan khác kiểm tra lại hoặc chính chúng ta kiểm toán lại có chỗ chưa chính xác, khiến uy tín của KTNN bị ảnh hưởng, ông nói.
Ngọc Hà