Hơn 4 thập kỷ kinh tế lao đao
Nền kinh tế Iran luôn ở trong tình trạng bất ổn trong hơn 4 thập kỷ qua. Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã hứng chịu làn sóng cấm vận và lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Nền kinh tế nước này cứ vài năm lại suy thoái một lần, đồng thời liên tục ghi nhận lạm phát ở mức rất cao, phi mã tới 2 con số.
Đất nước của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có dân số gần bằng Việt Nam, hơn 87 triệu người tính tới năm 2024. Cuối năm 2000, nước này có 63,5 triệu dân và năm 1980 là 40 triệu dân.
Năm 1980, Iran chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng âm 21,6%. Kể từ đó tới nay, cứ vài năm, kinh tế lại suy thoái. Từ năm 2010 tới nay, nền kinh tế khu vực Trung Đông này có 5 lần tăng trưởng âm.
Năm 2013, Iran tăng trưởng âm 3,7%; năm 2014 giảm 1,5%; năm 2015 âm 1,4%. Năm 2015, Iran được nới lỏng lệnh trừng phạt khi đồng ý thoả thuận với 6 quốc gia phát triển về việc hạn chế hoạt động phát triển hạt nhân. Đây là yếu tố giúp đất nước này tăng trưởng kinh tế 8,8%.
Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài được lâu. Tới năm 2018 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp dụng lệnh trừng phạt và một lần nữa nền kinh tế Iran lại rơi vào suy thoái, suy giảm 1,8%, năm 2019 giảm tiếp 3,1%.
Năm 2023, Iran ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế hồi phục ở mức dương 4,7%. Tuy nhiên, lạm phát trong năm 2023 là 41,5%. Còn trong năm 2022, lạm phát lên tới 45,8%.
Từ 1980 tới nay, Iran ghi nhận giá cả hàng hóa tăng trung bình 37,5%.
Có thể thấy, tình trạng kinh tế của Iran rất bi đát. Quốc gia Hồi giáo này đã suy yếu trong nhiều thập kỷ qua do chịu các lệnh trừng phạt.
Áp lực lạm phát tại quốc gia Hồi giáo này cũng thêm trầm trọng khi đồng Rial giảm mạnh. Từ mức 19.100 Rial đổi 1 USD hồi tháng 3/2020, đồng tiền của Iran tụt giảm xuống mức hơn 42.000 Rial đổi 1 USD như hiện tại.
Con số nói trên là tỷ giá hối đoái chính thức do Ngân hàng Trung ương Iran công bố. Trên thực tế, theo trang web ngoại hối Bonbast, đồng tiền này được giao dịch trên thị trường phi chính thức ở mức 586.000 Rial đổi 1 USD.
Thu nhập bình quân đầu người của Iran ở mức tương đối cao, đạt 4.660 USD/người vào năm 2023, so với mức gần 4.300 USD/người của Việt Nam. Tuy nhiên, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Tỷ lệ thất nghiệp cao của Iran ở mức rất cao, trung bình là 8,9% trong giai đoạn từ 1980 tới nay. Tỷ lệ này trong năm 2023 là 9%.
Thực tế, phần lớn nền kinh tế Iran và thu nhập của chính phủ phụ thuộc vào hoạt động bán dầu thô. Nhưng hoạt động bán dầu bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, một số báo cáo cho thấy, phần lớn dầu thô của Iran được bán sang Trung Quốc.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran được hồi phục trong vài năm gần đây nhờ các biện pháp trừng phạt được nới lỏng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Trong quý I, Iran đã xuất khẩu được 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trong tổng số 3,17 triệu thùng dầu sản xuất được.
Có tác động nhiều tới thị trường tài chính thế giới?
Gần đây, giới quan sát lo ngại cái chết của quan chức cấp cao Iran ở vào thời điểm có nhiều xung đột ở khu vực Trung Đông có làm bùng phát căng thẳng tại khu vực này, qua đó ảnh hưởng tới thị trường tài chính và hàng hóa thế giới, trong đó có vàng và dầu.
Tuy nhiên, nỗi lo được giải tỏa phần nào khi Iran công bố nguyên nhân rơi trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi là do điều kiện thời tiết xấu. Cho dù Iran cũng chỉ trích các lệnh cấm vận của Mỹ, cho rằng các biện pháp đó ngăn không cho Iran tiếp cận các thiết bị hàng không có chất lượng.
Trên thực tế, ông Ebrahim Raisi không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang, hay chính sách hạt nhân. Người có quyền lực cao nhất Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ông Khamenei có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp cả hành pháp, lập pháp và tư pháp, cũng như quân đội và truyền thông.
Trong phiên giao dịch ngày 20/5, trên thị trường châu Á, giá vàng đã lập kỷ lục cao mọi thời đại, vượt qua đỉnh cũ 2.430 USD/ounce ghi nhận hôm 12/4 và có lúc lên tới 2.450 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng thế giới giao ngay đã hạ nhiệt và trở về ngưỡng 2.420 USD/ounce vào buổi tối cùng ngày (giờ Việt Nam).
Gần đây, căng thẳng giữa Israel và Iran lên cao khi hồi tháng 4 Iran phát động cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào lãnh thổ Israel bằng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái, đáp trả cho cáo buộc Israel tấn công tòa nhà lãnh sự quán trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria.
Trong thời gian này, các nhà lãnh đạo Iran lo ngại các cơ sở sản xuất dầu mỏ có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công quân sự từ Israel.
Trước đó, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei - ông Kamal Kharrazi - cho biết Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi học thuyết hạt nhân của mình trước mối đe dọa từ Israel. Điều này được hiểu là Iran sẽ tạo bom hạt nhân nếu bị Israel đe dọa.
Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có Mỹ được cho là không muốn căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran. Theo truyền thông Israel, giới chức Mỹ và Iran vừa tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp một cách bí mật tại Oman, tập trung vào nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Về vụ rơi máy bay khiến Tổng thống Iran tử nạn, theo Reuters, Israel đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận liên quan đến vụ việc này. Đây là một động thái hiếm thấy của Israel khi lên tiếng chính thức về các hoạt động ngoài nước.
Trước đó, hồi đầu năm 2020, chỉ huy quân sự Iran - Qasem Soleimani đã thiệt mạng trong đợt không kích của Mỹ đã khiến 2 nước căng thẳng. Tuy nhiên, khi đó quan chức cả 2 nước đều cho biết mục tiêu của họ không phải đi đến chiến tranh. Với Iran, do nền kinh tế gặp khó khăn chồng chất kéo dài cho nên một cuộc xung đột sâu rộng hay chiến tranh là điều ít người nghĩ tới.