“Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao và thông qua các biện pháp hòa bình”, Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, phát biểu trong một tuyên bố hôm 6/4.

Tuyên bố cũng cho biết, những bất đồng trên Biển Đông sẽ không gây cản trở mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong việc ứng phó với dịch Covid-19, bao gồm việc viện trợ vắc-xin và phục hồi nền kinh tế. Hiện tại, Philippines đã mua 25 triệu liều vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

{keywords}
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn Reuters, phản ứng của Tổng thống Philippines diễn ra một ngày sau những phát ngôn có phần gay gắt hơn của giới chức ngoại giao, quốc phòng nước này. Bộ ngoại giao Philippines hồi đầu tuần đã tuyên bố sẽ lên tiếng phản đối mỗi ngày, nếu Trung Quốc không rút toàn bộ tàu thuyền đang neo đậu trái phép trên Biển Đông.

Cố vấn pháp lý của Tổng thống Duterte đã cảnh báo về "những hành động thù địch không mong muốn", trong khi Bộ Quốc phòng Philippines triển khai tàu chiến, máy bay quân sự đến giám sát đội tàu của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó, hơn 200 tàu Trung Quốc bị phát hiện đang neo đậu trái phép gần Đá Ba Đầu nằm trong cụm đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3. Đội tàu này đã bật đèn sáng suốt đêm dù không có bất kỳ hoạt động đánh bắt nào.

Philippines bắt đầu lên tiếng về sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc từ hôm 21/3, khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Delfin Lorenzana ra tuyên bố gọi đây là "hành động quân sự hóa khu vực mang tính khiêu khích" của Bắc Kinh.

Hôm 3/4, Bộ trưởng Lorenzana cho biết hơn 40 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện trong khu vực xung quanh Đá Ba Đầu. Giới chức Philippines cáo buộc các phương tiện này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh phủ nhận và nói rằng đội tàu chỉ "đang tạm trú để tránh thời tiết xấu".

Trước sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc, hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển. Điều này cũng đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Việt Anh

Philippines nói hàng chục tàu Trung Quốc vẫn ở Đá Ba Đầu

Philippines nói hàng chục tàu Trung Quốc vẫn ở Đá Ba Đầu

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 3/4 cho biết, 44 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông

Nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông

Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông, trong bối cảnh tình hình khu vực đang nóng dần lên.