Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2015 mới được VECOM công bố cuối tháng 1/2016 đã đưa ra nhận định, Internet đã và đang mang lại cơ hội to lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngày nay, người tiêu dùng trực tuyến có thể so sánh một cách dễ dàng chất lượng, giá cả cùng nhiều thông tin khác liên quan tới sản phẩm và người bán.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chưa đánh giá đầy đủ sự thông minh và khả năng thu thập thông tin của người tiêu dùng trực tuyến nên đã có những hành vi kinh doanh không lành mạnh, chẳng hạn như sản phẩm bán cho khách hàng không phù hợp với thông tin giới thiệu trên website, quảng cáo thiếu văn hóa gây phản cảm, thậm chí thực hiện hoạt động khuyến mãi trực tuyến một cách không lành mạnh.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình trạng một bộ phận đáng kể doanh nghiệp kinh doanh chưa lành mạnh trên môi trường trực tuyến đã gây cản trở cho sự phát triển của loại hình giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C).

Trao đổi với ICTnews bên lề lễ công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 mới đây, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho biết, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của TMĐT Việt Nam trong thời gian tới chính là lòng tin của người tiêu dùng. Theo ông Hưng, lòng tin của người tiêu dùng quyết định sự tăng trưởng của giao dịch trực tuyến; thế nhưng hiện nay trên thị trường những hiện tượng chưa lành mạnh trong mua bán trực tuyến vẫn còn khá nhiều khiến cho người tiêu dùng thiếu lòng tin vào mua sắm trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Hưng chỉ rõ, hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến còn “coi thường” người tiêu dùng, chưa đánh giá được sự thông minh của người tiêu dùng, đó đã  nên vẫn có hành vi kinh doanh không lành mạnh.

Ở góc độ của đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán cho TMĐT, bà Đặng Thị Tuyết Dung, Phó Tổng giám đốc MaritimeBank chia sẻ, thương mại điện tử là “con dao hai lưỡi”. Một mặt nó tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nhưng mặt khác nếu doanh nghiệp không thực sự cam kết, không đảm bảo chất lượng, uy tín sẽ gây hại cho chính doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, sự tin tưởng của khách hàng. Lấy ví dụ về sự cố đáng tiếc trong Ngày mua sắm trực  tuyến 2015 do vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp đưa các chương trình khuyến mại không thực chất, không đúng như đã hứa với khách hàng làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng,  bà Dung nhấn mạnh: muốn phát triển TMĐTphải có hạ tầng pháp lý đầy đủ, rõ ràng và cam kết của tất cả các thành viên, các đối tác lĩnh vực thanh  toán cũng như dịch vụ.

Theo đại diện VECOM, Ngày mua sắm trực tuyến 2015 vừa qua cũng là một phép thử, qua đó cho thấy vẫn còn không ít doanh nghiệp TMĐT Việt Nam vẫn chưa đánh giá được sự thông minh của người tiêu dùng. Trong ngày này, cùng với việc cung cấp cho người tiêu dùng công cụ so sánh giá thị trường, website Ngày mua sắm trực tuyến năm nay (www.onlinefriday.vn) cũng đã cung cấp phản ánh trực tuyến giúp người tiêu dùng đánh giá các khuyến mại không tốt theo các tiêu chí: thông tin nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, link liên kết không đúng, giá gốc sản phẩm không đúng với giá thị trường, khuyến mãi không tốt…

Thống kê trong ngày 4/12/2015, theo dự thảo báo cáo của Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến 2015, đã có 392 phản ánh của người tiêu dùng với sản phẩm của 105 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ phản ánh sản phẩm có giá gốc không đúng với giá thị trường chiếm đến 48%; hai nhóm phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng đều có tỷ lệ 18%. Các phản ánh khác như giá trị khuyến mãi không đạt chuẩn của Ban tổ chức hay một sản phẩm xuất hiện quá nhiều chiếm dưới 16%. Xét trên tổng số sản phẩm đăng ký tham gia Online Friday 2015 của 105 doanh nghiệp bị người tiêu dùng phản ánh, số lượng sản phẩm bị phản ánh chiếm trung bình 2% tổng số sản phẩm.

Khẳng định việc cải thiện, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong mua sắm online là câu chuyện dài, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, giải quyết lòng tin của người tiêu dùng trước hết phải từ người bán.

Vì thế, để nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trước hết bản thân các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam phải tôn trọng khách hàng hơn, hiểu công nghệ hơn và nhất là phải đánh giá đúng sự thông minh và khả năng thu thập thông tin của người tiêu dùng trực tuyến. Các doanh nghiệp cần nhớ rằng, không như mua hàng truyền thống, trên môi trường kinh doanh online, khách hàng có thể kiểm tra người bán rất dễ, chỉ cần một vài click chuột là khách hàng có thể so sánh chất lượng, giá cả cùng nhiều thông tin khác liên quan đến người bán và sản phẩm. “Khi nhận thức được sự thông minh của khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải ứng xử một cách thông minh hơn, đừng tìm cách lừa người tiêu dùng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Để cải thiện lòng tin của người tiêu dùng, bên cạnh việc thúc đẩy nâng cao ý thức tôn trọng khách hàng của doanh nghiệp, theo ông Hưng, VECOM cũng khuyến khích người tiêu dùng phản ánh những hành vi kinh doanh không lành mạnh của doanh nghiệp, từ đó tạo tác động, sức ảnh hưởng buộc các doanh nghiệp phải thay đổi. Bởi lẽ, sức mạnh của người tiêu dùng rất lớn. Chẳng hạn như, khi mua hàng trên một site TMĐT, nếu thấy có hành vi kinh doanh không lành mạnh, người tiêu dùng phản ứng, thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, chỉ vài tiếng đồng hồ lan truyền trên mạng sẽ gây thiệt hại thậm chí là có thể tẩy chay một doanh nghiệp.