Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6/2023.

 Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023. Nguồn: Vietnam Report
 Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2023. Nguồn: Vietnam Report

Kiểm chứng sức bền giữa biến động

Năm 2022, sức bền của toàn ngành ngân hàng được kiểm chứng khi phải căng mình đồng hành cùng nền kinh tế đối mặt cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu. Song song với đó, biến động tỷ giá khi đồng USD mạnh lên đáng kể, trái phiếu tắc, thị trường bất động sản ngưng trệ và tâm lý thị trường suy yếu sau loạt sai phạm lớn bị phanh phui đã làm liên đới và đặt áp lực lên ngân hàng - kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất tăng mạnh cũng như tình trạng căng thẳng thanh khoản xảy ra tại một số thời điểm. 

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản ngành ngân hàng cho thấy dấu hiệu suy giảm từ quý IV/2022 khi nợ xấu gia tăng ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cuối năm 2022 là 1,92%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với năm trước. Thống kê cho thấy tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm.

Tuy nhiên, với động thái ứng phó linh hoạt trước sự xoay chiều của thị trường, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn khả quan. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt 246 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có khoảng thời gian tăng nóng trong nửa đầu năm 2022, trước khi chậm dần nửa cuối năm và đạt mức 14,5% cả năm - dù thấp hơn hạn mức NHNN cho phép nhưng vẫn là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng 0,9% so với năm trước. 

Đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Tình trạng lệch pha diễn ra trong bối cảnh nhóm khách hàng được ngân hàng ưu tiên cho vay là doanh nghiệp sản xuất và cá nhân có nhu cầu vay chậm lại do lãi suất cao, đơn hàng giảm, thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi trong khi nhóm khách hàng khát vốn, chấp nhận vay với lãi suất cao (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) không đủ điều kiện giải ngân. 

Đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2022 (khoảng 8%). Cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành tăng lên mức 2,9%. 

Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, các ngân hàng không kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá trong nửa cuối năm 2023. Dự báo triển vọng toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng (+44,2% và +42,0% so với kết quả khảo sát năm 2022 và 2021). 

 Nguồn: Vietnam Report

Cơ hội từ những chính sách mới và chuyển đổi số

Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra 7 thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023 là: Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; Nguy cơ rủi ro lạm phát; Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu; Tác động từ sự suy yếu của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu; Áp lực tăng vốn gia tăng; Sự xuất hiện của các công ty Fintech; và Rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng.

 Nguồn: Vietnam Report

Theo đó, top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm nay bao gồm: Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước; Kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế; Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động; và Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

 Nguồn: Vietnam Report

Đáng chú ý, cơ hội từ những chính sách mới của NHNN là yếu tố quan trọng nâng đỡ ngành tăng mạnh nhất so với thời điểm khảo sát một năm trước (+58,4%). Từ đầu năm đến nay, NHNN đã ban hành một loạt chính sách mới nhằm tăng thanh khoản cho thị trường tài chính, hỗ trợ thị trường khó khăn có rủi ro nợ xấu cao… Những động thái điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước của NHNN mang lại động lực lớn cho các ngân hàng vượt sóng vươn lên. 

Các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được triển khai, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng sẽ giảm bớt, cầu tín dụng có thể tăng trở lại, từ đó kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. 

Ngoài ra theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số. Tăng cường đầu tư công nghệ số được tất cả ngân hàng đồng thuận là lực đẩy mạnh nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới, trong đó các công nghệ có mức độ ứng dụng và tương quan cao với hoạt động của ngân hàng là: điện toán đám mây, tích hợp đa kênh, quản lí định danh, quản lí trải nghiệm khách hàng, tự động hoá quy trình thông minh, quản trị gian lận…

Không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số là xu thế tất yếu khi người dùng ngày càng chú trọng tới các giải pháp số. Khảo sát khách hàng được Vietnam Report tiến hành mới đây chỉ ra việc ngân hàng có các giải pháp/ ứng dụng kỹ thuật số hấp dẫn, tiện lợi được khách hàng quan tâm nhiều nhất khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng (84,5%); tiếp đến là giao dịch an toàn, bảo mật (77,0%).

Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng tháng 6/2023. Nguồn: Vietnam Report

Trước thực tế này, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng và tăng cường an ninh mạng là những ưu tiên chiến lược của ngành ngân hàng. Chuyển đổi số mang đến cho ngân hàng cơ hội tập hợp lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích, xây dựng mô hình thuật toán nhằm dự báo và ước tính các giá trị phục vụ cho việc ra quyết định (cho vay, định giá, đo lường rủi ro, cải thiện trải nghiệm khách hàng…); nhưng đồng thời làm gia tăng rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu… Do đó, ngoài việc đầu tư đón đầu xu thế công nghệ, nhiều ngân hàng dự kiến tăng ngân sách cho các chương trình bảo mật và an ninh mạng, kết hợp đưa các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào hoạt động và quản trị tốt hoạt động truyền thông trước những thay đổi khó lường của thị trường.

(Nguồn: Vietnam Report)