Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022. Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: http://www.vnr500.com.vn.
Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022
Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022
Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 16 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường và là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế. Bảng xếp hạng cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.
Nghiên cứu cũng đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay. Theo đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh so với năm ngoái, từ mức 16,4% xuống còn 11,2%. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) ghi nhận mức tăng xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng nhưng lại có sự phân hóa đáng kể nếu xét theo từng khu vực kinh tế.
Hình 1: ROA, ROE, ROS của các doanh nghiệp VNR500 trong 3 năm qua
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản tốt hơn hẳn so với hai khu vực còn lại, đạt 8,4%. Các doanh nghiệp FDI cũng bước đầu có được kết quả tích cực từ các khâu kiểm soát chi phí, từ đó gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ mức 8,1% lên 8,5%. Khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận sự cải thiện đáng kể với mức tăng vượt cả trước đại dịch, cụ thể ROA từ 4,3% lên 5,4%, ROS từ 5,2% lên 6,5%; ROE tuy chưa quay trở lại mức trước đại dịch nhưng là khu vực có tỷ suất hiệu quả cao nhất, đạt 15,2%. Khu vực kinh tế nhà nước buộc phải hy sinh lợi ích kinh doanh nhằm hỗ trợ người dân và cộng đồng vượt qua khó khăn từ đại dịch thông qua các hoạt động an sinh xã hội, do đó hầu hết cả chỉ tiêu đều suy giảm, nhất là chỉ số ROE ở mức âm 8%.
Nghiên cứu còn chỉ ra tỷ trọng doanh thu của ba lĩnh vực kinh tế trong bảng xếp hạng VNR500 trong giai đoạn 2020-2022, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của ngành Công nghiệp - Xây dựng là động lực phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện đáng kể về doanh số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản.
Hình 2: Tỷ trọng số doanh nghiệp và tổng doanh thu của 3 lĩnh vực trong bảng xếp hạng VNR500
Theo thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2022, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với năm ngoái. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động Bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của ngành Vận tải - Logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành Khoáng sản, Xăng dầu và Thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Hình 3: Tổng doanh thu và biến động doanh thu một số ngành chính trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2022
Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lạc quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường. GDP tăng trưởng 8,83% trong 9 tháng đầu năm và dự kiến đạt khoảng 8% cho cả năm; lạm phát ở mức thấp khoảng 2,73%. Các tổ chức trong nước và quốc tế, cũng như các chuyên gia tham gia phỏng vấn của Vietnam Report đều cho rằng Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ban hành vào quý 3/2021 và xác định đúng thời điểm mở cửa kinh tế vào tháng 3/2022 là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế xã hội.
Số liệu thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm nay đối với 108 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy 59,3% số doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019-2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, 23,1% số doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, trong đó tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Dược và Thực phẩm - Đồ uống.
Phần lớn doanh nghiệp VNR500 tham gia khảo sát đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp mình trong năm tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với 35,1% số doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Một số ngành kinh tế được dự báo có tiềm năng tăng trưởng đột phá trong năm tới là Viễn thông - Công nghệ thông tin, Du lịch - Giải trí và Vận tải - Logistics. Ngược lại, các ngành phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu như Thủy sản và Dệt may, Da giầy có triển vọng tăng trưởng kém hơn. Ngành Bất động sản - Xây dựng vốn chịu nhiều khó khăn từ đại dịch và chính sách siết tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.
Hình 4: Tiềm năng tăng trưởng của một số ngành trong 12 tháng tới
Xem đầy đủ nội dung tại đây.
Vietnam Report