Tập đoàn Nhật Bản sau khi nhận được báo cáo về những thiệt hại rất lớn đã cho hay, khả năng tiếp tục tồn tại của công ty hiện là một "mối nghi ngờ" không hề nhỏ.

Toshiba đã gục ngã bởi sự sụp đổ của công ty điện hạt nhân Mỹ, Westinghouse Electric. Westinghouse vừa đệ đơn xin phá sản vào tháng trước.

Sau khi hai lần từ chối công bố báo cáo kinh doanh khi tới hạn, Toshiba đã buộc phải báo cáo khoản lỗ ròng 648 tỷ Yên (tương đương 5,9 tỷ USD) trong quý kết thúc vào tháng 12. Nhưng trong một động thái chưa từng có đối với một công ty lớn của Nhật Bản, Toshiba đã đệ trình báo cáo mà không có sự chấp thuận của kiểm toán viên.

Các nhà quản lý Nhật Bản bây giờ phải quyết định có nên chấp nhận báo cáo thu nhập của Toshiba hay không. Nếu không, cổ phần của công ty vốn đang suy sụp này có thể bị hủy bỏ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

Thu nhập giữ lại và có nguy cơ bị xóa tên khỏi sàn chứng khoán

Việc kiểm toán viên PwC Aarata từ chối đóng dấu thông qua bản báo cáo là một điều đáng xấu hổ cho Toshiba khi công ty cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng mình có thể tìm ra cách thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Westinghouse phải chịu hàng tỷ USD thua lỗ do chi vượt và sự chậm trễ trong việc thi công các dự án nhà máy hạt nhân ở Georgia và South Carolina.

Công ty này phá sản có nghĩa là Toshiba cuối cùng sẽ có thể phải loại bỏ Westinghouse ra khỏi khối tài khoản của mình. Tuy nhiên, nếu bán Westinghouse thì Toshiba có thể phải chịu lỗ ròng 1 nghìn tỷ Yên (tương đương 9 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.

PwC từ chối ký duyệt báo cáo thu nhập vì vẫn đang nghiên cứu kết quả điều tra vụ Westinghouse tiếp quản công ty xây dựng hạt nhân CB & I Stone & Webster vào năm 2015, Toshiba cho hay.

Tuy nhiên, công ty cho biết họ không có lý do để tin rằng tổn thất gắn liền với Westinghouse sẽ có bất kỳ tác động tài chính nào tới Toshiba cho tới sau năm tài khóa 2016. Giám đốc điều hành Toshiba, Satoshi Tsunakawa, cho biết ông đang cân nhắc chấm dứt cuộc điều tra.

Các nhà quản lý tại Nhật Bản sẽ phải quyết định xem liệu Toshiba, một trong những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng nhất đất nước, có phải chịu sự sỉ nhục khi cổ phần bị rút khỏi thị trường chứng khoán hay không.

Phân chia tài sản

Để sửa chữa bảng cân đối kế toán, Toshiba hiện đang bán phần lớn cổ phần trong mảng kinh doanh chip máy tính. ông Tsunakawa cho biết ông hy vọng bộ phận kinh doanh này sẽ thu được ít nhất 2 nghìn tỷ yên (18 tỷ USD).

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple (AAPL, Tech30), đã chào mua số cố phần này với giá khoảng 3 nghìn tỷ yên (27 tỷ USD), theo The Wall Street Journal và Bloomberg. Toshiba từ chối bình luận về thông tin, và phía Foxconn cũng không đáp lại yêu cầu bình luận.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, chính phủ Nhật Bản muốn giữ mảng kinh doanh bộ nhớ ở trong nước và đã kêu gọi các công ty Nhật Bản cùng nhau mua cổ phần của Toshiba.

Toshiba hôm thứ ba cho biết việc bán mảng kinh doanh chip và các tài sản khác sẽ giúp công ty giữ được sự ổn định về tài chính.

Chuyện gì xảy ra với Westinghouse?

Hồ sơ phá sản của Westinghouse đã làm dấy lên câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với công ty của Hoa Kỳ.

Cổ phần lớn của Toshiba tại Westinghouse sẽ được bán. Điều đó sẽ diễn ra dưới sự giám sát của tòa án về phá sản "và chúng tôi sẽ không tham gia vào việc đó," ông Tsunakawa nói với các phóng viên hồi tháng trước.

Quá trình bán cổ phần có thể gây ra những mối quan ngại trong chính phủ Hoa Kỳ, theo báo cáo thì Mỹ muốn đảm bảo rằng khả năng hạt nhân trong nước sẽ không bị một công ty Trung Quốc mua lại.

Westinghouse đã và đang xây dựng lò phản ứng tại Trung Quốc. Mua một công ty Mỹ đang gặp khó khăn có thể giúp Trung Quốc có được công nghệ cần thiết để trở thành một ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân.