Chiều 25/4, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet, trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An không thể tiếp tục thi công các gói thầu tại TP.HCM, chủ đầu tư có dự trù phương án thay thế chưa? Chủ đầu tư có đánh giá năng lực sau sự cố của Thuận An chưa?
Trả lời câu hỏi, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, trong quá trình đấu thầu, năng lực của các nhà thầu đều được kiểm tra, đánh giá, trong đó có tập đoàn Thuận An, họ có đủ năng lực thi công các gói thầu.
“Chúng tôi cũng đã có phương án dự trù, trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư, sẽ có phương án thay thế, bằng việc dùng liên danh trong gói thầu để thực hiện các phần việc của nhà thầu không đủ năng lực hoặc gặp sự cố không thể tiếp tục thi công”, ông Hùng cho hay.
Tập đoàn Thuận An tham gia liên danh cùng các nhà thầu khác thi công tại 2 dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư là dự án Vành đai 3 và dự án nút giao Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ. Tại dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Tập đoàn Thuận An tham gia gói thầu XL5, xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985).
Trong gói thầu trên, đơn vị này tham gia liên danh cùng 8 nhà thầu xây lắp khác để thực hiện hợp đồng. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó, nhà thầu Thuận An có tỉ lệ liên danh 26,5% của hợp đồng, tương đương 610 tỷ đồng.
Tại dự án đầu tư xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Tập đoàn Thuận An tham gia liên danh cùng 2 nhà thầu xây lắp khác. Tổng giá trị hợp đồng 262 tỷ đồng, trong đó nhà thầu Thuận An có tỉ lệ liên danh 40%, tương đương 105 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Thuận An còn liên danh nhiều nhà thầu khác tham gia thì công hai gói thầu XL-05 và XL06 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.