Ngày 21/7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) có báo cáo cụ thể về tình hình xử lý xe quá tải, tài xế vi phạm nồng độ cồn sau một tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trung bình một ngày, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện xử lý hơn 950 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 440 xe chở quá tải, cơi nới thành thùng…
Tính từ ngày 20/6 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 242.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền gần 380 tỷ đồng; tước gần 35.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 51.300 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2021, việc xử phạt các loại phương tiện đã tăng 29.250 trường hợp, tiền phạt tăng gần 171 tỷ đồng (tăng 84%).
Theo Cục Cảnh sát giao thông, đáng chú ý là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất chiếm tới 29,6%. Thời gian phát hiện các tài xế "ma men" nhiều nhất từ 18h-22h.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, một số địa phương có kết quả xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn cao, đứng đầu cả nước là TPHCM (với 4.260 trường hợp), thứ hai là Hà Nội (1.616 trường hợp), lần lượt tiếp theo là Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh...
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông này kết thúc vào 20/9, tuy nhiên tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhấn mạnh, sau cao điểm lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm tra xử lý như thời gian cao điểm, các doanh nghiệp, chủ xe không nên có tư tưởng "chờ thời" đợi hết cao điểm thì hoạt động trở lại.
Theo Dân Trí