UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) về việc góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoạn tuyến qua địa phương này.

Theo phương án đề xuất, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ qua địa bàn TP.HCM có tổng cộng hơn 36km (trong đó gần 12km đi trên cao và hơn 24km là các đoạn đi trên mặt đất); tuyến đường sắt này cũng đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. 

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn TP đi cao (trừ một số đoạn tuyến về các ga hàng hóa, ga lập tàu, trạm đầu mối kỹ thuật... ) nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng “chia cắt” các khu vực đô thị hai bên, đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữa các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực đô thị xung quanh. 

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ có hơn 36km qua địa bàn TP.HCM gồm TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh

TP.HCM cũng đề nghị đối với một số đoạn tuyến buộc phải bố trí đi trên mặt đất, cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt/nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng mức đầu tư của dự án; xác lập quy mô mặt cắt ngang tuyến cho phù hợp trong tương lai, khi dự án đường sắt được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác.

Do dự án đi qua các vị trí giao với các tuyến đường bộ lớn, nút giao thông quan trọng nên TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt trong giai đoạn nghiên cứu khả thi tiếp theo cần tổ chức khảo sát, cập nhật thật kỹ thông tin, tài liệu kỹ thuật của các tuyến/nút giao thông hiện hữu đảm bảo việc tổ chức giao thông khu vực không bị ảnh hưởng lớn trong các giai đoạn xây dựng khác nhau.

Theo UBND TP.HCM, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư sơ bộ rất lớn, trên 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), do đó việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính.

TP nhìn nhận việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án cũng khó khả thi nếu chỉ khai thác doanh thu từ vé mà không có các giải pháp phát triển đô thị xung quanh các đầu mối giao thông dọc tuyến (mô hình TOD).

UBND TP kiến nghị trước mắt vẫn rất cần đến vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đây vẫn là hình thức đầu tư phổ biến nhất cho dự án này, cần tiếp tục được phát huy trên cơ sở cân đối từ ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP.HCM- Cần Thơ có chiều dài khoảng 174km, đường khổ đôi 1.435mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi do đơn vị tư vấn lập, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Toàn tuyến có 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Về quy mô đầu tư là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng.