Những chia sẻ thẳng thắn trên đã được nêu ra trong Hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM diễn ra sáng nay (17/6). Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo TP, lãnh đạo Bộ Y tế. 

Chi phí cao, thủ tục chưa thuận lợi với khách nước ngoài

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế TP đã tìm hiểu kinh nghiệm của 3 quốc gia ASEAN là Thái Lan, Singapore và Malaysia. Đây là 3 nước dẫn đầu trong khu vực về thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh.

Số liệu năm 2019 cho thấy, Thái Lan thu hút khoảng 3,4 triệu lượt khách du lịch y tế, Singapore thu hút 1,5 triệu lượt và Malaysia là 1,3 lượt. 

Ông Thượng cho hay Thái Lan được đánh giá là điểm đến du lịch y tế lớn nhất thế giới với 8 lý do. Cụ thể gồm: Giá dịch vụ kỹ thuật y tế thấp; Chính phủ xem du lịch y tế là chính sách quan trọng trong cải tạo nguồn thu; Chú trọng đào tạo nhân lực chuyên sâu; Ngành du lịch cung ứng dịch vụ chuẩn 5 sao cho khách quốc tế; Kết hợp hiệu quả y học hiện đại và cổ truyền; Dịch vụ điều trị cả gói; Thủ tục nhập cảnh đơn giản; Nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: GL.

Với Singapore, có 5 kinh nghiệm mà TP.HCM cần xem xét gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng y tế tiên tiến; Chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế; Đầu tư nghiên cứu và thu hút chuyên gia tầm thế giới; Thu hút các nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu mở chi nhánh; Không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ y tế.

Với Malaysia, dù nằm trong top 3 nhưng nhiều năm qua vẫn không thể vượt Thái Lan và Singapore về du lịch y tế. Nguyên nhân được cho là không cạnh tranh bằng hai quốc gia còn lại, chi phí còn cao, gặp khó khăn về tổ chức cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh, thủ tục cho khách quốc tế phức tạp. 

Từ những phân tích trên, ngành y tế TP.HCM đã rút ra các bài học kinh nghiệm cho chính mình, xác định điểm mạnh, điểm khác biệt trong phát triển y tế hướng đến là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực. 

Theo đó, TP.HCM cần chú trọng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và kỹ thuật y tế chuyên sâu, du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và cổ truyền, đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sáng tạo, thu hút nhà đầu tư y tế thế giới. Đồng thời, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giá dịch vụ y tế phải cạnh tranh.

Cơ sở hạ tầng mới giúp người bệnh đến TP.HCM điều trị được phục vụ tốt hơn. Ảnh: Thế Sơn

Ông Thượng cũng nêu một số hạn chế chủ quan cần điều chỉnh để rút ngắn lộ trình phát triển thành trung tâm y tế ASEAN.

Cụ thể như, ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế các bệnh viện công lập còn hạn chế với người bệnh nước ngoài, chưa phát huy thế mạnh mô hình viện trường trong quảng bá làm thế giới thiếu thông tin về sự phát triển của y tế thành phố.

Ngoài ra, lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành chưa chú trọng tham gia đánh giá chuẩn quốc tế và xếp hạng bệnh viện hàng đầu trên thế giới. Du lịch y tế dù chủ động nhưng còn manh mún. 

TP.HCM hút gần 1/4 người bệnh cả nước 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết năm 2022, số bệnh nhân nội ngoại trú của TP là 35,3 triệu lượt, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân cả nước. Ông Mãi cũng bày tỏ sự tự hào về thành tựu y tế chuyên sâu của TP.

TP.HCM cũng xác định sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiệm cận trình độ tiên tiến của thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, tầm nhìn đến năm 2045. 

Với mục tiêu này, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, phát triển nhân lực,  phát triển y tế thông minh, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thiện chất lượng quản lý nhà nước về y tế... 

Đồng thời, tiếp tục đề xuất Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống mạng lưới liên kết vùng về y tế trong chẩn đoán điều trị và đào tạo nguồn nhân lực. 

Người dân TP.HCM được chăm sóc y tế tốt nhất nước

Theo ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, TP.HCM dẫn đầu cả nước trong phát triển chuyên môn kỹ thuật y tế. TP có 125 bệnh viện với gần 39.000 giường, đạt tỷ lệ 42 giường/vạn dân. Hiện nay, người dân TP.HCM đang có điều kiện chăm sóc y tế tốt hàng đầu cả nước.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay TP cần tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, tương xứng nhằm hạn chế việc người dân đi nước ngoài chữa bệnh, giữ lại một khoản chi đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, TP cần có cơ chế chính sách riêng, có thể dưới hình thức thí điểm, đặc biệt là về cơ chế tài chính, cơ chế giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang xây dựng thông tư về giá dịch vụ và cần xin ý kiến các Bộ ngành và Chính phủ trước khi ban hành. Trong thời gian chờ thông tư, thành phố cần chủ động có chính sách phù hợp.