Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ca sốt rét ác tính đầu tiên là một cô gái 24 tuổi, du học sinh, trở về từ Cameroon.
Ngày 17/5, trên máy bay trở về Việt Nam, bệnh nhân sốt lạnh run khoảng 2 cơn/ngày. Cô đã đi khám bệnh, xét nghiệm tại 4 cơ sở y tế nhưng tình trạng sốt không cải thiện, được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết.
Ngày 23/5 bệnh nhân được hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, mẫu máu có kết quả test nhanh dương tính với Plasmodium falciparum. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngày 24/5 với chẩn đoán sốt rét ác tính thể não, vàng da, tiểu huyết sác tố và mật độ ký sinh trùng cao. Ngày 30/5, cô gái này được xuất viện.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam, 63 tuổi, người Trung Quốc, làm việc ở Abidjan, Bờ Biển Ngà được 28 tháng. Ngày 31/5, bệnh nhân từ Bờ Biển Ngà về Việt Nam, quá cảnh 10 giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bệnh nhân lên cơn sốt lạnh run trên chuyến bay về Việt Nam. Khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông được một bác sĩ người Trung Quốc đi cùng chuyến bay đưa đến khám ở một bệnh viện quốc tế. Test nhanh sốt rét dương tính với Plasmodium falciparum.
Bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào rạng sáng ngày 1/6, chẩn đoán Sốt rét ác tính thể vàng da, suy thận, nhiễm toan và mật độ ký sinh trùng cao. Hiện bệnh nhân vẫn được điều trị tích cực tại khoa hồi sức sốt rét.
Năm 2020, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 ca sốt rét ác tính. Năm 2021 chỉ có 2 trường hợp sốt rét cơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính. Tất cả các bệnh nhân sốt rét này đều đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở Tây Nguyên hoặc đi công tác tại các nước châu Phi.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi đốt. Muỗi Anophen (còn gọi là muỗi đòn xóc) là trung gian truyền bệnh.
Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở ngoại cảnh, chỉ tồn tại trong máu người bệnh và trong cơ thể muỗi truyền bệnh sau khi chích người bệnh. Do đó điều kiện để lây truyền bệnh sốt rét là phải có muỗi Anophen và có người đang bị bệnh.
Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng – thể sốt rét ác tính. Cụ thể như biến chứng não gây hôn mê sâu, co giật;, suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, tiểu huyết cầu tố do vỡ hồng cầu hàng loạt.. Khi đó, nguy cơ tử vong rất cao nhất là người chưa có miễn dịch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, không có ca tử vong. Tại khu vực phía Nam, ghi nhận 43 ca bệnh. Cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Theo kế hoạch, Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Tại TP.HCM, từ năm 2011 đến nay không phát hiện ca bệnh sốt rét nội tại mà tất cả đều nhiễm từ các vùng dịch tễ lưu hành. Thành phố đã đươc công nhận loại trừ sốt rét từ năm 2020.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ sở y tế khi tiếp nhận một trường hợp có sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng, kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.
Linh Giao