Giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM tính đến ngày 31/7 chỉ đạt 26%. Cụ thể, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 8.467 tỷ đồng, trong khi tổng kế hoạch vốn giao hơn 31.943 tỷ. Nếu tính bình quân so với cả nước (34%), địa phương này bị chậm nhịp giải ngân khoảng 1 tháng.
Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, nêu ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM diễn ra sáng 4/8. Theo đó, giải ngân chậm chủ yếu rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn trên 200 tỷ, tỷ lệ giải ngân nhiều dự án đạt thấp, dưới 10%. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp là cơ quan có nhiều dự án giải ngân chậm nhất.
Một số dự án có số giải ngân bằng 0, điển hình là dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM có vốn bố trí 1.000 tỷ, nhưng do trục trặc hồ sơ nên công trình không thể giải ngân dù đã được bàn giao nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ 3 năm nay. Việc bố trí vốn kéo từ 2019 qua 2020, sang 2021 và giờ sang 2022 vẫn không giải ngân được.
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Y tế Tân Kiên-Bình Chánh bố trí vốn 277 tỷ đồng chưa giải ngân được. Dự án Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tương tự. Ngoài ra, Sở Quy hoạch TP.HCM có công trình xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố vốn 350 tỷ cũng chưa thể giải ngân.
Bênh cạnh đó, một số dự án có mức giải ngân dưới 10% gồm Công trình Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bố trí vốn 200 tỷ, giải ngân được 9,3 tỷ (đạt 5%); Dự án Xây dựng nút giao An Phú bố trí 375 tỷ, giải ngân được 14 tỷ (4%); Dự án Vệ sinh đô thị, môi trường TP giai đoạn II bố trí 1.990 tỷ thì mới giải ngân 73 tỷ (4%); Dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bố trí 1.039 tỷ, giải ngân 327 triệu đồng (0,03%) và Dự án metro tuyến 2 Bến Thành - Tham Lương bố trí 394 tỷ, giải ngân 28 tỷ đồng (7%).
Đề cập về thực trạng trên, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho hay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến tháng thứ 7 trong năm mới đạt 26% là quá thấp, trong khi mục tiêu giải ngân đặt ra cả năm 2022 tới 95%. Có thể thấy, các dự án đã được bố trí kinh phí để thực hiện từ ngân sách TP, tuy nhiên lại không đủ điều kiện để triển khai.
Qua giám sát, HĐND TP.HCM thống kê có tới 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0. Đặc biệt, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp dường như là cơ quan đạt tỷ lệ giải ngân hầu như bằng 0.
Ngoài ra, hơn 12 dự án khác cũng có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Theo ông Hiếu, UBND TP và các Sở, ngành cần làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc từ giải phóng mặt bằng đến thủ tục triển khai.
"Rất đáng lo" - ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM, giãi bày về vấn đề này. Chủ tịch TP.HCM cho rằng, việc giải ngân khó khăn, chậm cần tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân. Hệ lụy, nếu giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu, sẽ không thực hiện được đồng thời việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công, công tác quy hoạch. Đầu tư công chậm sẽ không dẫn dắt được đầu tư xã hội, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.