Ngày 11/12, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM.
Ông Phạm Bình An Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, thành phố là địa phương có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất cả nước, với quy mô người cao tuổi đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng. Các số liệu cho thấy, từ năm 2017 thành phố đã bước vào giai đoạn già hoá và dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 20% (tương đương khoảng 1,8 triệu người) và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (trên 30% tổng dân số).
Hiện nay, số người cao tuổi tại TPHCM đứng thứ hai cả nước, nên phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh “Già hóa Dân số”. Quá trình này diễn ra dưới tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Trong hội thảo, các chuyên gia đã nêu rõ các vấn đề dân số cao tuổi gia tăng gây áp lực mạnh lên hệ thống y tế và an sinh xã hội. Với 22 báo cáo tham luận, các chuyên gia đều đều tập trung vào các nội dung như:
Phát triển dịch vụ và ngành nghề mới phù hợp với người cao tuổi. Đề xuất mô hình doanh nghiệp khai thác 'nền kinh tế bạc', như phát triển dịch vụ, tài chính và du lịch cho người cao tuổi.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại và hiệu quả và mô hình chăm sóc chia sẻ, hướng đến cộng đồng.
Xây dựng các mô hình bảo hiểm xã hội và hỗ trợ tài chính hợp lý, đặc biệt khi hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu.
Đổi mới chính sách dân số nhằm giảm áp lực lên nguồn lao động trẻ. Tăng cường chính sách khuyến sinh và điều chỉnh cơ cấu dân số.
So sánh chỉ số già hóa dân số của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước giai đoạn 2014 - 2023. (Nguồn Cục Thống kê TPHCM)
Chỉ số già hóa | Việt Nam | TPHCM |
2014 | 43,30 | 47,75 |
2015 | 47,14 | 48,26 |
2016 | 50,10 | 50.94 |
2017 | 53,40 | 54,91 |
2018 | 56,92 | 58,84 |
2019 | 48,80 | 49,38 |
2020 | 50,96 | 55,72 |
2021 | 56,44 | 56.64 |
2022 | 54,12 | 61,42 |
2023 | 58,27 | 65,36 |
So sánh chỉ số già hóa dân số của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước giai đoạn 2014-2023. (Nguồn Cục Thống kê TPHCM)
Tuổi thọ trung bình | Việt Nam | TP.HCM | Nam | Nữ |
2014 | 73,20 | 76,14 | 73,5 | 78,9 |
2015 | 73,30 | 76,20 | 73,6 | 78,9 |
2015 | 73,40 | 76,47 | 73,9 | 79,2 |
2017 | 73,50 | 76,53 | 74,0 | 79,2 |
2018 | 73,50 | 76,60 | 74,1 | 79,3 |
2019 | 73,60 | 76,60 | 74,1 | 79,3 |
2020 | 73,70 | 76,46 | 73,9 | 79,2 |
2021 | 73,64 | 76,24 | 73,7 | 79,0 |
2022 | 73,64 | 76,25 | 73,7 | 79,0 |
2023 | 74,50 | 76,46 | 73,9 | 79,2 |
UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) phấn đấu đạt vào năm 2030 gồm các mục tiêu như NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...). NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. TPHCM cũng thí điểm mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa. Các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030... |