- Trước tình trạng bệnh nhân nội, ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng kỷ lục, chiều ngày 9/10, Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với 2 bệnh viện nói trên, đưa ra các giải pháp bức thiết trước mắt và lâu dài.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Tăng Chí Thượng nhấn mạnh vào phương án chuyển tuyến ngược. Nghĩa là các bệnh nhân nội trú đã ổn định sẽ được chuyển ngược về địa phương chữa trị tiếp.

Bác sĩ Thượng nhận định đây là giải pháp chưa từng có trước đây, được coi như sáng kiến riêng của TP.HCM. Vì thường chỉ nghe chuyển từ tuyến dưới lên, chứ chưa nghe chuyển ngược lại bao giờ.

{keywords}
Sở Y tế TP.HCM làm việc với hai bệnh viện nhi về giảm tải. Ảnh: Thanh Huyền.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thượng cũng giải thích rõ lợi ích của giải pháp mới này: “với những ca thở máy lâu dài, có thể chuyển về tuyến dưới tiếp tục thở máy. Vì có ca sau khi chuyển về Cà Mau vẫn tiếp tục nằm thở máy tới 2 năm. Như vậy để lại bệnh viện trên này sẽ mất đi một giường nằm ở khoa Hồi sức tích cực mà chẳng giải quyết được vấn đề. Chúng ta chuyển bệnh nhân ngược về địa phương nhưng không đứt đoạn mà chuyển luôn cả kế hoạch điều trị. Khi về tới bệnh viện địa phương các cháu vẫn tiếp tục được điều trị như đang ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 mà không phải chẩn đoán điều trị lại từ đầu.”

Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 nói thêm: “các bé được bố trí đưa về miễn phí bằng xe của bệnh viện, có điều dưỡng của bệnh viện mang bệnh án đi kèm. Nếu có sự cố ở bệnh viện tuyến dưới về điều trị, trên này chúng tôi sẽ tận tình tư vấn.”

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, khoa mình từng chuyển ngược bệnh nhi về tận An Giang, Cà Mau (một bé đang thở máy). Sau khi tiếp tục điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều bé phục hồi và xuất viện.

Bên cạnh các giải pháp như kê thêm giường bệnh, bố trí thêm khu lưu bệnh, tăng cường bàn khám thông tầm suốt cả ngày, bác sĩ Tăng Chí Thượng còn thông báo về tiến độ xây dựng Bệnh viện Nhi TP như một giải pháp giảm tải căn cơ.

“Theo đơn vị thi công cam kết, cuối tháng 6/2016 Bệnh viện Nhi Đồng TP sẽ xây dựng hoàn tất. Như vậy nhất định trong năm 2016 bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động.”, bác sĩ Thượng bật mí.

{keywords}
Bệnh nhân tới khám tại Nhi Đồng 1 tăng 25%, Nhi Đồng 2 tăng 12%. Ảnh: Thanh Huyền.

Với công suất 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng TP giải quyết được khá lớn nhu cầu khám chữa bệnh của trẻ em. Để chuẩn bị vận hành bệnh viện trên, suốt 2 năm qua 100 bác sĩ trẻ mới ra trường đã được đào tạo, thực hành liên tục ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2.

Trong tuần sau, lãnh đạo ngành y tế TP đã có cuộc họp quyết định lựa chọn ra các nhân sự sẽ đảm nhiệm chức vụ trưởng, phó khoa của bệnh viện nhi tương lai.

Trong tháng 9 và 10/2015, lượng trẻ em tới khám tại Nhi Đồng 1 tăng 25%, mỗi ngày có tới trên 2.000 bệnh nhi nội trú (65% bệnh nhi từ tỉnh). Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tăng thêm 12% lượng ngoại trú, 5% bệnh nội trú. Các ca bệnh chủ yếu là sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp và bệnh lý sơ sinh.

Thanh Huyền