- Cán bộ chuyên trách ở phường xã là đơn vị gần dân nhất, nắm được địa bàn, kiểm tra thường xuyên và xử lý triệt để vấn đề thực phẩm bẩn.
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Phó – Phó chủ tịch (CT) UBND TP.HCM tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Qua 1 ngày thị sát các cơ sở giết mổ, đơn vị kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM, đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của ngành chức năng TP trong quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Người dân TP.HCM có thể truy xuát nguồn gốc thịt heo bằng smartphone |
Cụ thể là việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, chuyển từ giết mổ thủ công và bán công nghiệp thành giết mổ công nghiệp, và đặc biệt là việc thực hiện đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo…
Tuy nhiên, theo đại diện đoàn công tác, kiểm soát ATVSTP phải xuyên suốt cả quá trình, chứ không chỉ kiểm định an toàn 1 giai đoạn.
Với số lượng dân đông, nhu cầu lớn, lượng thực phẩm từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Đà Lạt…đổ về rất lớn, TP cần có biện pháp phối hợp kiểm soát chặt nguồn gốc với các địa phương này.
Bên cạnh đó, việc các giấy chứng nhận kiểm dịch cho thực phẩm tươi sống xuất đi các địa phương còn thiếu thông tin. Việc không quản lý tốt sẽ hợp thức hóa lưu thông hàng hóa không được kiểm định.
Vấn đề khác đó là suất ăn của công nhân tại các bếp ăn tập thể chỉ là 15.000 đồng/suất, ngoài việc thiếu dinh dưỡng, thì rất khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, kiêm phó Trưởng đoàn giám sát, cho hay còn có chồng chéo giữa các ngành trong việc quản lý thực phẩm.
Ông Dũng nói sẽ tập hợp các ý kiến lại thành báo cáo để trình Quốc hội liên quan tới các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tại cuộc làm việc, Phó CT UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nói rằng người dân TP bức xúc về các thực phẩm không an toàn, chứa các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo bà Thu, muốn có thực phẩm sạch, phải quản lý nguồn gốc thực phẩm và hóa chất phụ gia và hiện ngành chức năng TP đang siết chặt 2 vấn đề này, đặc biệt là sau khi có ban quản lý ATVSTP.
Vị nữ Phó CT cũng mong muốn TP có đội ngũ cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm ở xã, phường.
Hiện nay các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên ngành còn quá mỏng chỉ có thể thanh, kiểm tra vào các đợt, các chiến dịch chứ không thể thanh kiểm tra thường xuyên.
"Cán bộ chuyên trách về ATTP ở xã, phương – nơi gần dân nhất mới có thể nắm, đi sâu vào địa bàn, kiểm tra thường xuyên, và xử lý triệt để" - bà Thu lý giải.
Thạch Quý