- TP.HCM có thể tính tới việc lập một tổ chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đề án phấn đấu TP.HCM giành giải thưởng Nobel về y học.

Nhiều trăn trở được nêu tại buổi gặp gỡ thầy thuốc tiêu biểu nhân kỷ niệm 62 năm ngày thầy thuốc Việt Nam chiều 24/2 giữa các thầy thuốc và lãnh đạo, thường trực Thành uỷ TPHCM.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chuyên gia đầu ngành về sản khoa Việt Nam chia sẻ trăn trở vấn đề bác sỹ ở Việt Nam trình độ, tay nghề rất giỏi, nhưng cơ sở vật chất và sự chuyên nghiệp lại không theo kịp.

Bà từng chứng kiến một cơ sở đào tạo y khoa tại một tỉnh được đầu tư vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ, có vài giảng đường 5-600 chỗ ngồi đào tạo chuyên ngành. Trang thiết bị để sinh viên thực tập rất hiện đại.

{keywords}
GS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Bác sĩ TP.HCM ngang hàng với nước ngoài nhưng chỉ ở khía cạnh cá nhân. Làm thế nào mặt bằng y tế cả nước ngang nước ngoài?

Có những bệnh viện 300 giường để dành cho sinh viên thực tập. Trong vòng 5 năm có 4.000 sinh viên chính quy, hơn 1.000 sinh viên chuyên tu được đào tạo. Là một bệnh viện tư, họ thu học phí khoảng 120 triệu/năm, mua chương trình giảng dạy quốc tế về viết lại cho phù hợp với Việt Nam, xin phép Bộ Y tế được giảng dạy. Họ sẵn sàng mời thầy giỏi trong nước và nước ngoài, về ở trong các biệt thự công vụ để giảng dạy…

Đi thăm quan về bà rất trăn trở. TP.HCM dư sức để làm, chưa tính đến việc huy động sự đóng góp của tư nhân và trí tuệ của các giáo sư trong nước.

“Hiện nay các anh chị bác sĩ ở đây ngang hàng với nước ngoài, nhưng chỉ là ở khía cạnh cá nhân. Nhưng làm sao phải để cho cả mặt bằng y tế nước ta ngang hàng với nước ngoài”, bà nói.

Chia sẻ sự trăn trở của GS Phượng, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cam kết TP.HCM sẽ cố gắng làm hết sức mình để đáp ứng ở mức tốt nhất những điều kiện cần và đủ để đội ngũ thầy thuốc có thể yên tâm, toàn tâm hành nghề.

Ông Thăng cũng cho hay trao đổi với GS Phượng và được đặt vấn đề "TP.HCM có thể có giải thưởng Nobel về y học được không?, ông cho đây là gợi ý và ý tưởng rất đáng suy nghĩ. TP có đội ngũ y bác sĩ rất giỏi, có tiềm lực về y tế, có khả năng về kinh tế, có khả năng về nghiên cứu và nếu có quyết tâm có khả năng đạt được những thành tựu cao về y học.

“Tiếp thu ý kiến của bác sĩ Phượng, lãnh đạo TP sẽ trao đổi và thành lập một tổ chuyên gia đầu ngành để chúng ta nghiên cứu thành lập đề án phấn đấu để có một đơn vị có thể giành được giải thưởng Nobel về y học trong tương lai”, ông Thăng nói.

{keywords}
Bí thư Đinh La Thăng: Chúng ta có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có tiềm lực y tế, quyết tâm sẽ đạt thành tựu cao về y học

Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước làm được điều đó. Vì tất cả chúng ta ngồi ở đây sẽ là người quyết định có hay không có giải thưởng Nobel y học”.

Qúa tải 145%

Các chuyên gia đầu ngành y tế TP cũng đã kiến nghị với Thường trực Thành uỷ những khó khăn thực tế phải đối diện.

Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM Phan Văn Trí trăn trở: năm 2012 khi thấy bệnh viện quá tải tới 145%, TP đã cho cơ chế thành lập mô hình bệnh viện vệ tinh. Nhưng đến năm 2016 con số thống kê vẫn cho thấy quá tải 145% vì số lượng bệnh nhân tăng.

Như ở địa bàn quận 5 có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa và đa khoa, mà thực tế cho thấy chỉ quá tải ở bệnh viện chuyên khoa.

{keywords}
Ông Phan Văn Trí

“Đề nghị thành phố cho cơ chế nếu những bệnh viện đa khoa hoạt động không hiệu quả thì có thể chuyển cho bệnh viện chấn thương chỉnh hình là bệnh viện chuyên khoa được không?”, ông Trí đề xuất.

Giám đốc bệnh viện ung bướu Nguyễn Xuân Dũng thì nêu bất cập một cơ sở trị giá 4.000 tỷ ở TP.HCM và 1 cơ sở y tế tại các tỉnh có cùng cách tính đơn giá điều trị như nhau khiến không thể tái đầu tư.

Ngành ung bướu có giá thành điều trị ngày càng cao nhưng hoạt động chuyên môn nhiều khi đình trệ do cơ chế.

“Trước đây BHYT cho phép 1 năm sử dụng thuốc 3 lần, nay chỉ còn có 2 lần, thì sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân sẽ như thế nào?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Việt Đông