- Khoảng 2 tuần nay lượng trẻ em tay chân miệng phải nhập viện tăng rất cao. Dự kiến số trường hợp bị tay chân miệng còn tiếp tục nhiều hơn vào tháng 11, 12, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định.

{keywords}
Trường hợp tay chân miệng nặng đang được điều trị. Ảnh: Thanh Huyền

“Bình thường chúng tôi tiếp nhận mỗi ngày hơn 30 bệnh nhi tay chân miệng nội trú thì nay tăng gấp đôi. Hiện nay trong khoa đang có gần 60 ca bệnh, vào ngày cao điểm có thể lên tới trên 80 ca. Có trường hợp rất nặng phải điều trị cấp cứu”, bác sĩ Khanh nói.

Toàn bộ các ca tay chân miệng nói trên đều cư trú tại TP.HCM. Trẻ mắc bệnh chủ yếu ở độ tuổi dưới 3, tuổi càng nhỏ càng nguy hiểm.

{keywords}
Lượng bệnh nhi tay chân miệng tăng gấp đôi bình thường. Ảnh: Thanh Huyền

Tay chân miệng mỗi năm có 2 chu kỳ bệnh. Chu kỳ thứ nhất vào tháng 3, 4, 5 và chu kỳ 2 vào tháng 9, 10, 11, 12. Chu kỳ sau bao giờ bệnh cũng cao hơn chu kỳ đầu.

Tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa. Nguồn bệnh từ đồ chơi dơ dính virus, thậm chí người lớn mắc bệnh nhưng không có biểu hiện và phát tán virus, lây cho trẻ khi mớm cơm…

{keywords}
Bệnh nhi tay chân miệng quá tải phải nằm ngoài hành lang bệnh viện. Ảnh: Thanh Huyền

Để phòng tránh, bác sĩ Khanh khuyên người chăm sóc trẻ và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy, vệ sinh đồ chơi, nhà cửa sạch sẽ.

Khi bệnh khởi phát rất dễ nhầm với sốt siêu vi, viêm họng, viêm màng não… Cha mẹ cần lưu ý, phát hiện các lở loét trong miệng, bóng nước ở tay, chân của con.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp trở nặng, cần đưa đi khám ngay: sốt liên tục 2 ngày khó hạ, giật mình chới với khi ngủ, nôn ói.

Tới khi tay chân trẻ bị lạnh, sốt run, da nổi bông thì bệnh đã rất nặng.

Thanh Huyền