Chiều 24/8, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ngày thứ 2 của đợt cao điểm.
Lần đầu tiên tại họp báo, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng tham dự và chủ trì họp báo với lãnh đạo TP.HCM.
Về phía TP.HCM có sự tham dự của Trưởng Ban Tuyên giáo Phan Nguyễn Như Khuê và ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.
Mở đầu họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, báo chí quan tâm và yêu cầu Ban Chỉ đạo thông tin về các vấn đề như triển khai các trạm y tế lưu động; tình hình kiểm soát gắn với việc cấp thẻ đi đường; công tác xét nghiệm và việc đi chợ hộ cho người dân.
Phát biểu cung cấp thông tin, ông Phạm Đức Hải cho biết, giãn cách xã hội là yếu tố quyết định, thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt, điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu và vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược.
Ông Hải mong các cơ quan truyền thông viết chính xác những gì mà Thủ tướng chỉ đạo trong Công điện.
Theo quyết định của Chính phủ, số 1415 phân bố 130 ngàn tấn gạo cho 24 tỉnh thành, TP.HCM được 71 ngàn tấn.
Vậy, 71 ngàn tấn TP thực hiện ra sao? UBND TP ban hành kế hoạch 3037, giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với Cục dự trữ nhà nước triển khai tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia.
Cụ thể, đợt 1 là 14.549 tấn, trước ngày 6/9 giao nhận trong cả ngày thứ 7 và Chủ nhật, điểm giao nhận tại UBND TP Thủ Đức và các quận huyện.
Việc những ngày gần đây, có việc khu tập trung quản lý người ăn xin, lang thang được ông Hải thông tin thêm, TP đang tập trung quản lý người ăn xin, người lang thang.
Mục đích là để thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách, đồng thời tập trung quản lý, chăm sóc y tế và nuôi dưỡng những người này.
TP giao Sở LĐ-TB&XH cùng các quận, huyện… tập trung người lang thang, ăn xin để tổ chức test nhanh kháng nguyên. Khi test có kết quả âm tính thì đưa đối tượng vào trung tâm xã hội, dương tính thì đưa vào khu cách ly điều trị các quận, huyện hay của TP.
Với đối tượng nghiện ma túy, nếu dương tính nhẹ đưa vào Trung tâm cai nghiện Bình Triệu, nặng thì đưa đi điều trị.
Chiến lược xét nghiệm và tiêm vắc xin
Về xét nghiệm, ông Hải cho biết, tính từ 18h ngày 22/8 đến 18h 23/8, đã có 15.026 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó 11.543 mẫu đơn và 3.483 mẫu gộp với 41.989 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu dân cư, sản xuất tập trung.
Ông Hải thông tin, tổng số vắc xin đã tiêm đến 23/8 là 5.501.732 mũi, trong đó mũi 1 là 5.291.196, đạt 78,9% người dân trên 18 tuổi và 210.536 người đã tiêm mũi 2.
TP.HCM tiêm vắc xin đạt 300.000 mũi một ngày |
Về xét nghiệm, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, đến 25/8 phải hoàn thành lấy 2 triệu mẫu, để quét sạch F0 trong cộng đồng. Ngày 23/8, được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính, tỷ lệ này thấp hơn 5% theo hướng dẫn WHO.
Cũng theo Phó giám đốc sở Y tế, do triển khai với khối lượng lớn và yêu cầu người dân tự test nhanh với sự hướng dẫn của ngành y tế hoặc lực lượng địa phương được tập huấn, người dân được hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu.
Có 3 kênh tiếp nhận: 1 phối hợp phát liên tục trên đài truyền hình, web điện tử của quận, huyện và hướng dẫn của nhà sản xuất. Vì thế, từ hôm nay, số lượng mẫu cần lấy sẽ đáp ứng đủ yêu cầu.
Ông Hưng cũng cho biết, trưa nay, Sở Y tế yêu cầu mỗi quận, huyện đưa ra tiến độ triển khai tất cả người dân trong khu vực vùng đỏ, vùng cam đều được xét nghiệm, để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, vùng vàng và cam cũng tầm soát theo hình thực mẫu gộp.
Về tiêm vắc xin, TP đã đẩy nhanh tiến độ, có ngày đạt trên 300.000 mũi, cho thấy hệ thống quen với việc tiêm số lượng lớn.
“Có một thông tin cần thiết là vắc xin tốt nhất là vắc xin có sớm, người dân không nên lựa chọn vắc xin, chờ đợi vắc xin khác. Người dân phải hiểu, tiêm sớm phòng sớm, nếu không may nhiễm thì đáng tiếc”, ông Hưng lưu ý.
Dự báo, ông Hưng cho rằng, với chiến lược xét nghiệm hiện nay, số ca F0 hàng ngày sẽ tăng lên, và nhu cầu điều trị sẽ tăng lên theo.
Hiện TP điều trị tháp ba tầng, TP cũng đang mở rộng tầng 1 F0 cách ly tại nhà và tại các khu cách ly quận, huyện, giảm áp lực cho tầng hai và ba, theo đó sẽ điều trị tốt, giảm tỷ lệ tử vong.
Đảm bảo cho việc F0 tại nhà, cũng như việc người dân mắc bệnh khác được chăm sóc y tế tại cộng đồng, Sở Y tế phối hợp các quận, huyện thành lập trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã. Tùy mức độ F0 có trong địa bàn mà có số trạm y tế lưu động phù hợp.
Các trạm y tế lưu động cũng tham gia tiêm vắc xin trên địa bàn.
Tiếp tục tổ chức các gói an sinh xã hội
Về công tác an sinh, ông Phạm Đức Hải cho biết, hôm nay TP.HCM đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng nhu yếu phẩm, rau củ, gạo, dầu ăn, đường, nước tương… của các doanh nghiệp và các mạnh thường quân trị giá gần 595 triệu đồng.
Các đơn vị triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ 2 triệu túi an sinh (300.000 đồng/phần) cho người dân khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đến ngày 23/8, đã chuyển về quận, huyện để phân bổ đến hộ khó khăn trên 347.000 phần quà.
Nhiều gói an sinh xã hội được bộ đội chuyển đến người dân |
Đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ. Tính đến nay, đã có 178 mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng.
Ông Hải thông tin, lũy kế đến nay, tính từ ngày 15/8 đến 23/8 đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53 tỷ 212 triệu đồng.
Đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ… trị giá hơn 15 tỷ đồng và phân phối đến các nơi.
Về hoạt động an sinh thời gian tới, ông Hải cho biết, TP tiếp tục chuyển hàng hoá phân phối hỗ trợ các quận, huyện, TP Thủ Đức; hỗ trợ các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị Covid-19, các bếp ăn thiện nguyện và hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…) để đảm bảo không để hộ nào bị thiếu đói khi thực hiện giãn cách xã hội.
Tiếp tục tổ chức phân phối 2 triệu gói an sinh về các quận, huyện và TP Thủ Đức để trao đến các hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (dự kiến trong ngày 24/8 sẽ phân bổ trên 100.000 gói về Trung tâm an sinh cấp huyện).
Tổ chức lực lượng tham gia giải quyết các trường hợp có nhu cầu cần được chăm lo lương thực, thực phẩm thiết yếu phản ánh qua cổng thông tin 1022 và đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.
Tiếp tục phối hợp các bếp ăn thiện nguyện cung cấp các suất ăn miễn phí cho người yếu thế, cơ nhỡ, không có khả năng tự cung cấp thực phẩm.
Tổ chức triển khai lực lượng giao hàng tình nguyện của Trung tâm an sinh thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.
Quân đội tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tận nhà dân là hình ảnh đẹp và ý nghĩa trong đại dịch |
Trong hai ngày qua, UBND TP đã triển khai lực lượng xuống đường, có sự hỗ trợ của quân đội để kiểm soát tình hình người dân ra đường cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 và Chỉ thị 11 của TP.
Theo Ban Chỉ đạo, trong hai ngày siết giãn cách xã hội, tình hình giao thông, lưu thông trên đường đã giảm tới 85% so với trước.
Tổ công tác đặc biệt, cùng sự hỗ trợ của quân đội đã triển khai phát quà trong kế hoạch 2 triệu túi an sinh xã hội, đi chợ thay cho người dân không được ra đường.
Hình ảnh bộ đội kiểm soát chốt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm tới tay người dân được báo chí phản ánh là hình ảnh rất đẹp, rất ý nghĩa.
Kể từ ngày 23/8 - 6/9, TP.HCM xác định đây là 2 tuần cao điểm để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Đây là thời điểm thành phố dồn tổng lực thực hiện nhiều giải pháp mạnh.
Về chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, ông Hải liệt kê: TP đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 65.220/66.673 lao động (đạt tỷ lệ 97,82%), kinh phí hỗ trợ hơn 132 tỷ đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193/193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ hơn 396 triệu đồng.
Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm: TP đã chốt việc chi hỗ trợ đợt 1 (ngày 8/8/2021) 365.794 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ hơn 548 tỷ đồng.
Về hỗ trợ đợt 2: 396.071/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 39,47%), kinh phí hỗ trợ 594 tỷ đồng.
Tổng cộng 2 đợt là gần 1.143 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP cũng hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11,7 tỷ đồng; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 18.082 người (đạt tỷ lệ 98,17%), kinh phí hơn 26 tỷ đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 1.060 tỷ đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 130 đơn vị với 28.977 người lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 223 tỷ đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ hơn 515 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 248/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 920 triệu đồng.
Hỗ trợ hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả: 161.856/175.477 hộ (đạt tỷ lệ 92%), kinh phí hơn 242 tỷ đồng (trong đó từ NSNN: hơn 161 tỷ đồng, từ nguồn của UBMTTQ gần 81 tỷ đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.725/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,7%), kinh phí hơn 58,5 tỷ đồng (từ NSNN gần 39 tỷ đồng, từ nguồn của UBMTTQ hơn 19,5 tỷ đồng).
Bí thư TP.HCM nghẹn lời khi nhắc đến mất mát đại dịch mang đến
Trước những mất mát đại dịch Covid-19 mang đến cho người dân TP.HCM, người đứng đầu Thành ủy bày tỏ sự chia sẻ nỗi đau tột cùng với gia quyến những người tử vong do dịch bệnh.
Hồ Văn