- Các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và thủy đậu đang gia tăng rất nhanh tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, TP.HCM đang dẫn đầu về số ca tử vong do sốt xuất huyết, thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Bộ trưởng Y tế: chống dịch bệnh với phương châm 3 sạch
Dịch bệnh gia tăng, nhiều loại vắc-xin “cháy” hàng
Nhiều ca phải nhập viện
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua muỗi, một trong những bệnh thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Từ đầu năm tới nay, cả nước có 9.413 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh/thành. Trong đó, 6 trường hợp tử vong (3 ca tại TP.HCM, 1 ca tại Bình Dương và 1 ca ở Bình Phước).
Chú thích ảnh: Nhiều dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng. Ảnh: Thanh Huyền. |
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến nay đã có 1.376 ca mắc sốt xuất huyết, gần 800 ca phải nhập viện (tử vong 3 ca). Mỗi ngày, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú của bệnh viện này giao động từ 50 - 70 ca.
Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết rất cao, tới gần 1.700 ca phải nhập viện. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có khoảng 700 bệnh nhi sốt xuất huyết nội trú.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn mình đã tăng 30% so với mức thông thường.
Do yếu tố dịch tễ, bệnh sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 100 nghìn trường hợp mắc và 100 trường hợp tử vong.
Kết quả xét nghiệm 302 mẫu cho thấy tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết chiếm ưu thế ở miền Nam là loại D1.
Trước diễn tiến phức tạp và nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế đã cảnh báo những dấu hiệu của bệnh để người dân nhận biết, điều trị kịp thời.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết sẽ sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2 – 7 ngày với các triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban, có ban xuất huyết, đốm xuất huyết hoặc chảy máu, thậm chí có thể sốc do mất máu.
Sốt xuất huyết - bệnh chưa có thuốc đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, chỉ có thể điều trị triệu chứng nên quan trọng hơn hết vẫn là phòng bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thực hiện diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào. Những thau, chai lọ để ngoài trời cần lật úp lại, thay nước bình bông thường xuyên…
Không chỉ thế, mọi người hãy mắc màn khi ngủ, phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch tại nhà.
Hết vắc-xin thủy đậu, ca bệnh tăng nhanh
Bên cạnh dịch sốt xuất huyết bùng phát, Cục Y tế dự phòng cảnh báo tại TP.HCM nhiều loại dịch bệnh thuộc nhóm B như tay chân miệng, thủy đậu đang trỗi dậy.
TP.HCM hiện đang có số ca mắc tay chân miệng cao hơn cùng kỳ năm 2013 tới gần 30%. Tuýp vi rút gây bệnh tay chân miệng của TP.HCM giống như các tỉnh/thành phía Nam, chủ yếu là EV 71 (loại có độc lực gây tử vong cao nhất).
Lượng bệnh thủy đậu tại TP.HCM cũng gia tăng khá cao. Vì không nằm trong nhóm bệnh được tiêm chủng trong chương trình quốc gia nên nếu muốn chích ngừa thủy đậu cho con, phụ huynh phải đưa trẻ đi chích dịch vụ.
Trong khi đó, vắc-xin thủy đậu dịch vụ đang hết do không được dự trù từ trước.
Từ đầu năm tới nay, cả nước có 16.380 ca thủy đậu, cao hơn cùng kỳ năm 2013 gần 8.000 ca.Tuy thủy đậu đa phần ở mức độ nhẹ nhưng rất dễ lây lan qua dịch từ miệng, mắt mũi. Nếu chăm sóc không đúng cách, bệnh sẽ bội nhiễm, gây các biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Diễn biến của dịch sởi vẫn đang cần giám sát chặt chẽ. Tất cả các tỉnh/thành trên cả nước đều phát hiện có ca bệnh sởi. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm gần 80% tổng số ca bệnh).
Trước tình hình dịch bệnh đang khá căng thẳng, Bộ Y tế dự báo, thời tiết nóng bức của mùa hè đang tới rất thuận lợi cho các bệnh đường tiêu hóa phát triển. Thêm vào đó, khi nghỉ hè, người dân đi chơi, giao lưu với các tỉnh/thành và nước ngoài nhiều hơn, chứa đựng nhiều nguy cơ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát cao hơn nữa.
Thanh Huyền