Nếu thời gian tới Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP thì hàng hóa Việt Nam vào các nước và ngược lại sẽ không còn những ranh giới nhất định, sân chơi trên thương trường càng ngày càng rộng rãi hơn.
>>TS Alan Phan: Kỳ vọng và thận trọng
>>Thái Bình Dương tương lai trong tay Mỹ?
Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Mỹ, một trong những kết quả đạt được giữa hai nhà lãnh đạo Việt - Mỹ là tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP) trong thời điểm cuối năm nay.
Được gọi là Hiệp định của thế kỷ XXI, TPP sẽ là cầu nối thúc đẩy phát triển và tạo việc làm giữa các nền kinh tế hai bên bờ Thái Bình Dương.
Một không gian giao thương rộng mở
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định/thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3-6-2005 và có hiệu lực ngày 28-5-2006.
Trước đây, TPP được biết đến với tên tiếng Anh là Pacific Three Closer Economic Partnership (P3-CEP) và được Tổng thống Ricardo Lagos của Chile, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong và Thủ tướng New Zealand Helen Clark đưa ra thảo luận tại một cuộc họp các nhà lãnh đạo của APEC diễn ra ở Los Cabos (Mexico). Brunei nhanh chóng tham gia đàm phán ở vòng 5 vào tháng 4-2005. Sau vòng đàm phán này, hiệp định lấy tên là Pacific-4 (P4).
Nếu gia nhập TPP hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có thể gặp một số rào cản về vệ sinh dịch tễ |
Mục tiêu ban đầu của hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền...
Hiện tại, thêm năm nước đang đàm phán để gia nhập là Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngày 14-11-2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của chín nước (tám nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của Tổng thống Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 diễn ra tại Honolulu (Hoa Kỳ).
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2011, lãnh đạo các nước Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã công bố phác thảo chung của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các bên mong muốn hoàn thành trong năm 2012. Khi có hiệu lực, TPP sẽ loại bỏ 11.000 dòng thuế của các bên và có khả năng sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu cho các điều ước mậu dịch trong tương lai của các nước thuộc APEC. Trong cuộc gặp, lãnh đạo các nước Nhật, Canada và Mexico đã bày tỏ mong muốn thảo luận với các nước đối tác hướng tới việc tham gia vào các cuộc đàm phán.
Nhân diễn đàn APEC vừa nói, bộ trưởng thương mại chín nước tham gia đàm phán TPP đã xây dựng được một khung tổng thể của một hiệp định thế hệ mới, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư, tạo cơ sở cho việc hình thành một Khu vực thương mại tự do trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời hỗ trợ việc làm, tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống tại các quốc gia.
Năm đặc trưng của TPP
Đàm phán một hiệp định với quy mô và tham vọng như Hiệp định TPP là một công việc phức tạp và tốn nhiều thời gian, tuy nhiên quan chức cấp cao của các nước tin tưởng rằng việc xây dựng thành công Bản mô tả các lĩnh vực đàm phán chính của hiệp định sẽ tạo cơ sở và động lực cần thiết để khả dĩ kết thúc thành công hiệp định. Các đặc trưng góp phần làm nên hiệp định mang tính lịch sử này bao gồm:
(1) Tiếp cận thị trường một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó xóa bỏ thuế quan và các hàng rào khác đối với thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, tạo ra và duy trì việc làm ngày càng nhiều. Mục tiêu của Hiệp định là thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế cũng như các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.
Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP |
(2) Là một hiệp định khu vực, chín nước TPP nhất trí xây dựng một biểu thuế thống nhất cũng như các quy tắc xuất xứ chung để giúp các doanh nghiệp tận dụng được hiệp định một cách dễ dàng hơn. Cách tiếp cận khu vực này sẽ giúp thúc đẩy mạng lưới các thương mại khu vực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng các sản phẩm đầu vào của TPP.
(3) Các vấn đề thương mại xuyên suốt hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn khác và bằng việc đưa vào Hiệp định TPP bốn vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm:
- Gắn kết môi trường chính sách cụ thể của từng quốc gia.
- Tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế các thành viên.
- Cam kết giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ để những doanh nghiệp này tìm được lợi thế trong TPP.
- Hướng chính sách thương mại vào việc giảm nghèo cùng cực, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
(4) Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề tiềm ẩn cần giải quyết trong hiệp định này để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ và đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi.
(5) Mục tiêu cuối cùng của Hiệp định TPP là mở rộng cho các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhóm đàm phán đang tham vấn với những nước bày tỏ quan tâm tham gia hiệp định, nhằm giúp các nước này nhận thức được các mục tiêu TPP đã nhất trí theo đuổi.
Cơ hội lẫn thách thức
Cho đến nay, TPP đã qua 18 vòng đàm phán, vòng gần nhất diễn ra từ ngày 14 đến 25-7 tại Malaysia. Dự kiến, các vòng đàm phán TPP sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Nếu thời gian tới Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP thì hàng hóa Việt Nam vào các nước và ngược lại sẽ không còn những ranh giới nhất định, sân chơi trên thương trường càng ngày càng rộng rãi hơn.
Một số nội dung có vấn đề nhạy cảm không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước thành viên TPP khác, như vấn đề mua sắm của Chính phủ, vấn đề môi trường, vấn đề về doanh nghiệp nhà nước... Những chuyện này liên quan đến nhiều nước nên phải có sự tham gia tích cực đa phương của nhiều thành viên khác.
Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang bươn chải để vượt qua khó khăn cảở trong nước lẫn thị trường nước ngoài, chúng ta trông đợi vào một hiệp định thương mại tự do như TPP với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường quan trọng cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn dưới góc độ tích cực thì doanh nghiệp trong nước kỳ vọng vào nhiều lợi ích mà TPP mang lại. Trước tiên TPP sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác.
Thứ hai, với việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP, nhiều người tiêu dùng kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn khiến hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Với công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn, những mô hình, phương thức quản lý mới, doanh nghiệp sẽ làm ăn hiệu quả hơn. Cùng với đó là kỳ vọng về những lợi ích từ việc mở rộng đầu tư nước ngoài, trong đó có gia tăng sản xuất, công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế…
Thứ ba, từ góc độ quản lý nhà nước, tiếp nối những gì mà WTO đã mang lại, TPP có thể sẽ lại là cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.
Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích mang tính lý thuyết, đã có nhiều quan ngại về những nguy cơ có thực từ các cam kết tham gia TPP.
Cụ thể, đối với việc xuất khẩu hàng hóa phi nông nghiệp mà chúng ta có thế mạnh (dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công cụ, hàng thủ công mỹ nghệ…), để được hưởng thuế 0% hoặc thuế thấp trong TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay phần lớn nguyên liệu sản xuất (chiếm tỷ lệ khá cao trong trị giá sản phẩm) của nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta đang được nhập từ Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc... là các nước nằm ngoài TPP, nếu kết quả đàm phán về xuất xứ trong TPP đòi hỏi trị giá nội địa hoặc nội khối TPP quá cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi thuế trong TPP khi xuất khẩu sang các nước thành viên.
Trong hoạt động xuất khẩu, thuế giảm hoặc được loại bỏ hoàn toàn nhưng các quy định kỹ thuật khắt khe có thể là những rào cản có khi khiến hàng hóa của chúng ta không có đường vào thị trường các nước TPP. Liên quan tới xuất khẩu nông sản, có thể chúng ta gặp rào cản khác nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Điều lo ngại là những quy định này hoàn toàn có thể bị lạm dụng và trở thành rào cản không thể vượt qua.
Giữa bao nhiêu thách thức ấy, có một điều quan trọng mà chúng ta đang nhắm đến là tạo sự cân bằng trong giao thương kinh tế với nhiều thị trường lớn, trong đó có việc giải bài toán nhập siêu quá cao trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc, mà tham gia TPP chính là cơ hội tốt nhất.
Lê Viết Đỉnh (tổng hợp)/Theo DNSGCT