Mặc dù Trung Quốc có nhiều khoa trương về chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ, nhưng đây không phải là điều chưa từng có trong tiền lệ.

'Quan trọng là bắt được ai'

Năm nay, Trung Quốc đã tiến hành một trong những phiên tòa chính trị lớn nhất vài thập niên qua và lần đầu tiên, quá trình xét xử tại tòa được truyền hình trực tuyến. Trong khi phiên tòa chấm dứt sự nghiệp của Bạc Hy Lai thu hút sự chú ý quốc tế, thì trong nước, các quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bắt đầu trở thành mục tiêu chống tham nhũng.

{keywords}
Ảnh minh họa: Foreignpolicy

Hồ Thanh Đậu, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Bắc Kinh cho hay, mặc dù có nhiều khoa trương cường điệu về chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ, nhưng đây không phải là điều chưa từng có trong tiền lệ. “Không có nhiều cải cách thế chế trong lĩnh vực này, cũng không có nhiều sự khác biệt căn bản với những gì họ từng làm trước đây", ông nói.

Theo thống kê từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc, số lượng quan chức bị điều tra trong năm nay không tăng đáng kế so với các năm trước.

Trong khi đó, theo Hồ Bình - học giả pháp lý tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc, đã có sự thay đổi về cường độ trong chiến dịch chống tham nhũng. “Năm qua, khoảng 10-20 quan chức cấp phó bộ trở lên hoặc cao hơn đã bị bắt giữ. Đây là chiến dịch trấn áp cao độ", ông nói. “Nói về tham nhũng, điều quan trọng là bắt giữ được ai".

Các quan chức Trung Quốc hiện tại cũng đối mặt với sự giám sát ngày một chặt chẽ của người dân, khiến họ gặp khó khăn nhiều khi muốn khoa trương giàu có hay lạm dụng công quỹ. Khi một quan chức ở Bắc Kinh quyết định tổ chức tiệc cưới rình rang kéo dài ba ngày cho con trai hồi tháng 10, truyền thông đã nhảy vào cuộc. Kết quả là vị này đã bị sa thải.

Trong năm qua, các nhà hàng tổ chức tiệc tùng đã bị ảnh hưởng lớn từ nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ, nhiều nơi chứng kiến doanh thu sụt giảm tới một nửa. Một số nhà hàng cố gắng tồn tại bằng việc tạo lập thêm nhiều không gian riêng tư hơn cho các quan chức.

Trên phố Nguyệt Đàn của Bắc Kinh (còn gọi là phố Bộ vì rất nhiều văn phòng chính phủ ở đây), các cửa hiệu bán rượu cao cấp cho hay, doanh thu năm nay giảm khoảng 30%. Người quản lý một nhà hàng tiệc cao cấp ở Nguyệt Đàn cho biết, kinh doanh tồi tệ tới mức ông ta phải chuyển sang phục vụ đồ ăn nướng kiểu Nhật và cho thuê lại tầng trên.

Theo nhà kinh tế Hồ Thanh Đậu, những khó khăn có khi lại là điều tốt, vì sự phụ thuộc quá lớn vào chi tiêu chính phủ sẽ tạo ra một nền kinh tế sai lầm. Ông nói, chi phí hành chính của Trung Quốc rất lớn, trong thống kê chính thức, 25% nguồn thu của chính phủ dành cho các phí tổn hành chính. “Một số học giả cho rằng nó cao hơn 35%, số khác nghĩ thậm chí lên tới 50%", nhà kinh tế nói. “Nghĩa là một nửa chi tiêu công hoặc một nửa số này dùng để trả cho các chi phí chính phủ".

Tham nhũng ở địa phương

Về phía người dân đã có ít nhiều hài lòng với nỗ lực giảm lãng phí của chính quyền. Một người họ Lý làm việc ở nhà hàng nói, trong khi việc kinh doanh của ông bị tác động, thì nỗ lực cắt giảm lãng phí dường như đang có tiến triển ở các thành phố lớn. Song ông nhấn mạnh, cần tập trung nhiều hơn vào chống lãng phí cấp địa phương. “Có quá nhiều tham nhũng ở đó, ví dụ tham nhũng ở một khu vực nông thôn có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nhân dân tệ".

Học giả Hồ Bình cho rằng, một cách hiệu quả để Trung Quốc có thể ngăn chặn tham nhũng ở địa phương là tạo dựng sự minh bạch hơn trong công quỹ của địa phương và chính quyền trung ương, hạn chế chi tiêu và cảm nhận rõ ràng hơn về việc công quỹ dùng thế nào sẽ góp phần hạn chế lãng phí. “Lạm dụng quyền lực và thiếu kiểm soát sẽ dẫn tới việc lạm dụng công quỹ".

Còn theo ông Hồ Thanh Đậu, kể cả có những thay đổi trên, thì việc giám sát độc lập vẫn là ưu tiên. “Rất khó để cải tổ hệ thống chống tham nhũng. Sẽ rất khó để có các cơ quan độc lập giám sát hành vi tham nhũng của quan chức hay để có luật công khai tài sản”.

Thái An (theo VOA)