TQ đã đi từ "ẩn mình chờ thời", sang "chủ động tấn công", từ "duy trì căng thẳng mức độ thấp" sang "thử lửa và sẵn sàng chấp nhận xung đột".

Kỳ 1: Giấc mộng 'nhất thế giới' đeo đẳng lãnh đạo TQ

Thái độ ngạo mạn, hành động hung hăng với mức độ ngày càng leo thang tại Biển Đông - Trung Quốc đang có ý đồ gì? Không khó để nhận ra từ an ninh quốc phòng, dân sự, luật pháp, chính trị, dư luận trong nước này đã có những chỉ dấu thể hiện mạnh mẽ hơn quyết tâm khẳng định chủ quyền phi pháp tại biển Đông.

Nếu xem "duy trì căng thẳng mức độ thấp" từ thập kỷ 1990 - đầu 2000 là phương châm hành động chính của nước này trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, thì phải chăng từ 2009 đến nay, Trung Quốc đã chuyển dần sang một giai đoạn mới với nguyên tắc "thử lửa và sẵn sàng chấp nhận xung đột".

Sự "bất biến" của lịch sử

Trong thập kỷ 1970 và 1980, tình hình Biển Đông diễn biến vô cùng phức tạp. Trung Quốc nhận định chính sách của nước này đối với Biển Đông là "duy trì sự kiềm chế tương đối, tránh tình trạng căng thẳng lan rộng". Dù vẫn có các hành động xâm phạm chủ quyền và xác lập quyền cai quản các đảo nhưng hoạt động của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Nhìn chung, Bắc Kinh cố gắng không cho tình hình tranh chấp căng thẳng quá mức.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã có những tuyên bố lẫn hành động xác quyết hơn. Học giả Khâu Đức Minh đã khái quát các chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn này trong 16 chữ: "gác tranh chấp, hiệp thương hữu nghị, đàm phán song phương và thúc đẩy hợp tác". Học giả Lâm Chính Nghĩa nêu rõ hơn phương châm chỉ đạo chính sách Biển Đông của Trung Quốc: "Chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, giải quyết hòa bình, cùng khai thác".

{keywords}

TQ sử dụng vòi rồng tấn công tàu VN vào ngày 1/6 vừa qua. Ảnh: Hoàng Sang

Trong suốt thời kỳ "cải cách và mở cửa", Trung Quốc đã chú trọng hướng kinh tế ra vùng duyên hải và đầu tư cho quốc phòng, đặc biệt không quân và hải quân. Sự lệ thuộc vào nhập khẩu dầu cũng được ước đoán sẽ tăng lên 65% vào năm 2020. Mạch máu phát triển của ngành công nghiệp đang chịu thách thức, thôi thúc Trung Quốc xây dựng một chiến lược biển để đảm bảo an ninh năng lượng.

Kế thừa quan niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Đặng Tiểu Bình từ năm 1982, Trung Quốc theo đuổi giấc mơ cường quốc biển bằng chiến lược "duy trì căng thẳng mức độ thấp". Theo đó, Bắc Kinh tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức về tuyên ngôn bất biến "Biển Đông là của Trung Quốc" trong nội bộ nước này. Bên ngoài, nước này tích cực mở rộng vùng kiểm soát trên biển thông qua hai mặt giáp công.

Một mặt, Trung Quốc nhấn mạnh "giữ nguyên hiện trạng" để cụ thể hóa cho chính sách "việc đã rồi" (fait accompli). Mặt khác, Bắc Kinh còn vươn các "xúc tu" nhằm kiểm soát càng nhiều diện tích lãnh hải càng tốt. Tham vọng độc bá của Trung Quốc thông qua đường lưỡi bò phi lý với yêu sách 80% Biển Đông là một bằng chứng.

Chú trọng hai mũi giáp công là ngoại giao và quân sự, Bắc Kinh muốn thông qua chiêu bài "thập diện mai phục" để hiện thực hóa phương châm "chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là bất biến". Với ý đồ này, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì căng thẳng tại Biển Đông với mức độ có thể kiểm soát. Cụ thể, Trung Quốc dùng ngoại giao gây sức ép nhằm duy trì hiện trạng có lợi cho nước này. Sau đó, với phương châm 9 chữ "Giữ gần bờ, tranh biển gần, ra đại dương" (Bảo cận ngạn, tranh cận hải, xuất viễn dương), sức mạnh vũ lực làm bàn đạp cho mặt trận ngoại giao.

Như vậy, có thể thấy rõ từ thập kỷ 1990 trở đi, Trung Quốc đã có bước chuyển hướng tư tưởng chủ đạo thành "chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác". Vào năm 1996, "Nghị trình biển Trung Quốc thế kỷ XXI" ra đời. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển chính là mục tiêu trọng tâm. Với các đảo Bắc Kinh đang chiếm hữu - dù bằng vũ lực- hiện trạng được giữ nguyên. Với các đảo đang tranh chấp và trong vòng kiểm soát, Bắc Kinh đề xuất hợp tác cùng khai thác. Về cơ bản, chiến lược này tuân theo nguyên tắc chỉ đạo "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Nút thắt của chuyển giao

Kể từ năm 2007 Trung Quốc đã gia tăng hàng loạt các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông. Đây cũng là năm đánh dấu những bước chuyển biến mạnh mẽ, lẫn trên thực địa, lẫn về mặt ngoại giao.

Trung Quốc ngày càng thể hiện "sức mạnh cứng" thông qua quân sự bằng hàng loạt các biện pháp cắt cáp, cản trở và phá hoại hoạt động đánh bắt thủy sản của các nước trong khu vực, chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines (12/2012), đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam,... Chảo lửa Biển Đông còn nóng hơn khi Trung Quốc dùng "sức mạnh mềm" qua con bài "Nhân dân tệ" để chia rẽ ASEAN; phản đối Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia vào giải quyết xung đột ở biển Đông.

Những tưởng chính sách của Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn với thế hệ lãnh đạo mới, thế nhưng kể từ tháng 3/2013 Trung Quốc lại gia tăng hàng loạt các biện pháp làm phức tạp thêm tình hình. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây.

Thậm chí Thiếu tướng Trương Triệu Trung còn gợi ý "chiến lược cải bắp" để chiếm đoạt Trường Sa với "ba chuỗi gọng kềm" gồm lực lượng tàu cá, các đội tàu bán quân sự như Hải giám hay Ngư chính và Lực lượng Hải quân Trung Quốc. Gần đây, tổng công ty dầu khí Trung Quốc (CNOOC) đã hoàn tất lắp đặt giàn khoan nước sâu lớn nhất châu Á ở Biển Đông, thiết lập trạm thu dữ liệu vệ tinh và bán các tour du lịch đến Hoàng Sa.

Trong vòng 7 năm từ 2007, Bắc Kinh "tung hỏa mù" tại vùng biển tạo nên càng nhiều bất ổn, khiến các quốc gia trong khu vực như ngồi trên chảo lửa và hao tiền tốn của vào các hoạt động chạy đua vũ trang hay tập trận. Các hành động của Trung Quốc đã buộc Philippines triển khai thêm tàu đến Bãi Cỏ Mây (24/5), khiến Thái Lan đề xuất họp toàn bộ ASEAN về Biển Đông (23/5) và hàng loạt các cuộc tập trận của Mỹ, Nhật, Indonesia, Ấn Độ... tại khu vực.

Trong khi sự thay đổi lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc hướng đến các chính sách mang tính mềm mỏng, khéo léo thì các tướng lĩnh diều hâu Bắc Kinh tiếp tục kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cùng với "chiến lược cải bắp" của Trương Triệu Trung, giáo sư Hàm Húc Đông tại đại học Quốc phòng Trung Quốc còn nhấn mạnh Bắc Kinh phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách "tấn công bất cứ lúc nào".

Tuyên bố hung hăng trên đã gây hoang mang cho các nước láng giềng, khiến dư luận đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc. Tham vọng mười mươi này đẩy căng thẳng đến mức cao và khiến lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng.

Sự mâu thuẫn trong các tuyên bố của Trung Quốc lẫn cách hành xử của bộ phận tướng lĩnh diều hâu Bắc Kinh đang ra một đặt câu hỏi lớn: Phải chăng đã có một sự thay đổi triệt để về chính sách đối ngoại nói chung, và biển Đông nói riêng? Từ "ẩn mình chờ thời", sang "chủ động tấn công", từ "duy trì căng thẳng mức độ thấp" sang "thử lửa và sẵn sàng chấp nhận xung đột".

Huỳnh Tâm Sáng - Vũ Thành Công