Trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông leo thang bởi một loạt các hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc, chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang thay đổi phương pháp tiếp cận tranh chấp trên biển từ “phản ứng quyết đoán” sang “đối đầu chủ động, tích cực”.
Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 17/6, chuyên gia Jin Kai ở Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CIS) thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đưa ra nhận định rằng, kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku năm 2012, Trung Quốc bắt đầu thực thi chiến lược “phản ứng quyết đoán” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, không chỉ trên biển Hoa Đông mà còn Biển Đông với các nước láng giềng. Những hành động quyết đoán của Trung Quốc bị nhiều nước láng giềng lên án, phản đối và cáo buộc là nhằm mục đích đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển.
Khi căng thẳng trên biển leo thang mạnh mẽ gần đây, Trung Quốc tỏ ra đối đầu quyết liệt hơn. Bắc Kinh tin rằng, chiến thuật và chiến lược phản ứng thụ động phải được thay đổi bằng cách tiếp cận tích cực, toàn diện và chủ động hơn. Dấu hiệu mới nhất, rõ ràng nhất chứng minh Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược, áp dụng phương pháp tiếp cận chủ động, tích cực hơn trong các tranh chấp trên biển với nhiều nước láng giềng chính là việc phái đoàn Trung Quốc trình “Tuyên cáo lập trường” về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của nước này trong vùng biển Việt Nam lên Liên Hợp Quốc (LHQ). Phía đoàn Trung Quốc còn yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon công bố “Tuyên cáo lập trường” với tiêu đề “Các hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 - Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” tới tất cả các thành viên trong Đại Hội đồng LHQ.
Ngoài ra, khi Trung, Nhật “khẩu chiến” gay gắt, tố cáo lẫn nhau về việc các máy bay chiến đấu của cả hai bên cố tình bay sát nhau “ở khoảng cách nguy hiểm” trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh ngay lập tức tung video trong đó ghi lại cảnh chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản áp sát máy bay quân sự Tu-154 Trung Quốc, làm bằng chứng cho những cáo buộc của họ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Jin Kai, chủ động và tích cực hơn trong việc “công khai” các tranh chấp trên biển trước cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế lớn hơn, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn với phương pháp tiếp cận mới. Ông nhận định, một động thái như vậy của Trung Quốc sẽ gián tiếp tăng cường “đa phương hóa, quốc tế hóa” tranh chấp - điều mà trước đây Bắc Kinh luôn né tránh. Bắc Kinh vốn theo đuổi giải quyết tranh chấp song phương nhằm “tối đa hóa” lợi ích của họ trên bàn đàm phán với các bên liên quan. Thậm chí, Bắc Kinh còn nhiều lần lên án, chỉ trích mạnh mẽ các bên liên quan nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với sự nghi ngờ lớn hơn của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc dường như đang lợi dụng tranh chấp với các nước láng giềng nhỏ hơn để bành trướng quyền lực ra toàn cầu.
Trước đó, trong số ra ngày 16/6, The Diplomat đã cho đăng bài "Chiến dịch chiến tranh thông tin của Trung Quốc và Biển Đông - Xuất đầu lộ diện" của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia. Nội dung bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:
Khi mà những tranh chấp lãnh thổ còn tiếp diễn sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã có bước đi kiểu “nước đôi” ở LHQ. Hôm 9/6, Trung Quốc bất ngờ mở một mặt trận mới, khi Phó Đại sứ nước này tại LHQ, ông Vương Minh, đệ trình Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tài liệu nêu quan điểm chính thức của Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông, cùng lời đề nghị chuyển văn bản này đến 193 nước thành viên.
Hành động quốc tế hóa trên đây không phải cho thấy sự thay đổi trong chính sách bất biến lâu nay của Trung Quốc - chỉ xử lý các mâu thuẫn, bất đồng tranh chấp lãnh thổ thông qua tham vấn và đàm phán song phương giữa các bên liên quan. Đơn giản là ngay sau khi đệ trình lên LHQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng khẳng định: Bắc Kinh không chấp nhận cơ chế trọng tài phân xử tại LHQ.
Theo Báo điện tử Chính phủ/Nguyễn Chiến (tổng hợp)