Ra phán quyết tù chung thân với một trong những chính khách gây tranh cãi nhất - Bạc Hy Lai, Trung Quốc muốn chứng minh quyết tâm nhổ tận gốc tham nhũng.
Bạc Hy Lai trong phiên tòa xét xử. Ảnh: Reuters |
Các nhân viên bảo vệ đưa Bạc Hy Lai ra đi trong đôi tay còng sau khi phiên tòa kết thúc, kết án ông tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực. Trong khi Bạc có thể vẫn kháng cáo, thì cơ hội để lật lại bản án hoặc giảm án tù là rất mỏng manh.
Thay vào đó, ông Bạc có thể biến mất khỏi đời sống công cộng trong nhiều thập niên, hay ít nhất là kết thúc một sự nghiệp mà ông từng chói sáng, từng coi mình là người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa dân túy. Báo chí chính thống Trung Quốc đã khắc họa phiên tòa xét xử giống như sự quyết tâm cao độ của Bắc Kinh trong chấm dứt vấn nạn hối lộ, tham nhũng và ngang ngược tự làm giàu.
“Hình phạt pháp lý kiên quyết dành cho Bạc Hy Lai hoàn toàn thể hiện rằng, không có ngoại trừ nào trước kỷ luật của đảng và pháp luật của nhà nước", bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo Trung Quốc hôm qua cho biết. Bình luận này được khá nhiều trang web Trung Quốc lặp lại: "Bất luận là ai cũng sẽ bị điều tra tới cùng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc thường xuyên tuyên bố sẽ chống tham nhũng từ "ruồi" tới "hổ" - cả quan chức cấp thấp lẫn cấp cao. Các cuộc điều tra được tiến hành với tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc, thậm chí là cả quân đội. Tuy nhiên, với trường hợp của Bạc Hy Lai, nhiều người tỏ ra hoài nghi. “Tôi nghĩ với Bạc Hy Lai, chính quyền muốn gửi đi tín hiệu rằng, nếu một quan chức cấp cao vi phạm hay thách thức luật pháp thì sẽ bị trừng trị", Đặng Dư Vân, một nhà bình luận truyền thông ở Bắc Kinh nói.
Thực tế là, việc xét xử và kết án Bạc Hy Lai đã đem lại cho công chúng Trung Quốc cách nhìn nhận khác biệt. Khác với các quan chức cấp cao khác bị đem ra xét xử từ trước tới nay, tin tức về Bạc Hy Lai được công khai rộng khắp trên báo chí, mạng trực tuyến.
Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, 64 tuổi tự coi mình là người có đầu óc kinh doanh, và ủng hộ chủ nghĩa bình quân. Nhưng tòa án thấy rằng, Bạc đã nhận hối lộ - qua vợ và con trai - số tiền trị giá 3,3 triệu USD, phần nhiều trong số này để chi trả cho một biệt thự tại Pháp. Theo cáo buộc từ tòa án, vợ và con trai ông thường xuyên tìm tới doanh nhân người Trung Quốc là Từ Minh để chi trả cho các phí tổn đi lại, hóa đơn thẻ tín dụng...
Tòa án cũng kết luận việc Bạc Hy Lai xử lý các cáo buộc giết người chống lại vợ ông là cách lạm dụng quyền lực. Bà Cốc Khai Lai bị cho là đã giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood tháng 11/2011. Bà này bị kết án tử hình treo vào tháng 8/2012.
“Án chung thân với Bạc Hy Lai có vẻ nặng hơn nhiều người hình dung", Lý Vi Đồng, cựu biên tập một tạp chí tại Bắc Kinh cho biết. Theo ông Lý, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng, bằng việc trừng phạt Bạc Hy Lai và các quan chức khác, họ sẽ thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng mà không cần tới những đổi thay chính trị khiến quan chức bị dân chúng giám sát chặt chẽ hơn.
Thái An (theo New York Times)