Đã 40 năm kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, Trung Quốc đang đứng giữa ngã tư một lần nữa. Cuộc chiến thương mại có thể thúc đẩy Bắc Kinh "hy sinh" tầng lớp trung lưu để quay trở về một quốc gia bảo thủ hơn.
Theo bài viết trên báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đăng ngày 10/9, lợi ích của tầng lớp trung lưu – những người ủng hộ thị trường tự do – sẽ phải hứng chịu cảnh thua thiệt để Trung Quốc bảo vệ nền kinh tế nước nhà trước cuộc chiến thương mại chưa từng có với Mỹ.
Bắc Kinh sẽ 'hy sinh' tầng lớp trung lưu trong cuộc chiến kinh tế với Mỹ? (Ảnh: CNN) |
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump ít có khả năng đảo ngược mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Nhưng nó có thể thúc đẩy các nhà lập pháp Trung Quốc tăng cường chính sách kiểm soát nhà nước và ràng buộc xã hội. Kết quả là tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ là nhóm chịu thiệt.
Trung Quốc phản ứng với cuộc chiến thương mại bằng cách mở rộng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Theo quan điểm của Bắc Kinh, lợi ích của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người không có tiếng nói thực sự trong các vấn đề quốc gia của đất nước, chắc chắn không phải là một ưu tiên. Mục đích quan trọng nhất là bảo vệ thể chế chính trị của Trung Quốc và nền kinh tế do nhà nước kiểm soát.
Cuộc chiến thương mại thậm chí có thể tạo cơ hội cho những nhà lập pháp cứng rắn trong giới lãnh đạo Trung Quốc ngăn chặn những suy nghĩ tự do đã và đang ngày càng phổ biến hơn trong tầng lớp trung lưu những năm gần đây.
Nếu chiến tranh thương mại là một cuộc cạnh tranh xem bên nào có thể "chịu đòn" được nhiều hơn, ít nhất Trung Quốc đang nắm giữ được một lợi thế quan trọng. Trung Quốc có thể tồn tại lâu hơn Mỹ trong một cuộc chiến thương mại bởi người dân nước họ "sẵn sàng chịu tổn thất trong cuộc sống cá nhân và chia sẻ gánh nặng với chính phủ".
Tuy nhiên, đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc, ước lượng từ 100 đến 300 triệu người bao gồm giới công chức và chủ doanh nghiệp tư nhân, mọi thứ không như mong đợi. Họ thường sở hữu tài sản và coi trọng quyền tư hữu cũng như nền kinh tế thị trường tự do. Họ là người hâm mộ của các ông lớn công nghệ iPhone, Google, Hollywood và thần tượng lối sống phương Tây...
Trên thực tế, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc thậm chí còn hoan nghênh cuộc chiến thương mại như một sức ép bên ngoài cần thiết đối với Bắc Kinh để thay đổi cách tiếp cận theo hướng can thiệp ngày càng sâu của nhà nước vào nền kinh tế.
Đối với chính quyền Trung Quốc, việc hy sinh lợi ích của tầng lớp trung lưu trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ không hoàn toàn là một ý kiến tồi. Kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn về thông tin, tài sản và các hoạt động kinh tế sẽ giúp Bắc Kinh quản lý các tác động từ cuộc chiến thương mại. Bên cạnh đó, hạn chế khu vực tư nhân để nhà nước có thêm "hỏa lực" đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước là một chiến lược để cân bằng tác động từ cuộc chiến tranh thương mại.
Trung Quốc ngày càng trở nên tham vọng hơn trong việc thu thuế và theo đuổi một mô hình “đại chính phủ”, trái ngược hoàn toàn với chính sách cắt giảm thuế và lối tiếp cận “chính phủ nhỏ” của Tổng thống Mỹ Trump.
Cụ thể, nhiều người Trung Quốc bắt đầu kinh doanh trực tuyến và kiếm tiền từ hoạt động thương mại trực tuyến. Trước đây, hoạt động này không bị áp dụng chính sách thuế của "nền kinh tế thực". Tuy nhiên, tuần qua, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một luật thương mại điện tử mới, mở đường cho việc thu thuế và áp dụng các yêu cầu hành chính đối với các cửa hàng trực tuyến, giống như các cửa hàng thực.
Bên cạnh đó, những khoản đóng góp phúc lợi xã hội bắt buộc của Trung Quốc từ năm sau sẽ được các cơ quan thuế thu thay vì các cơ quan an sinh xã hội. Sự thay đổi này dự kiến đánh một đòn nặng nề đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Theo TTXVN/ Baotintuc
Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó dứt sớm?
Vì các lí do chính trị, cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều thấy khó thoái lui khỏi cuộc chiến tranh thương mại đang nóng bỏng giữa hai nước.
Sợ chiến tranh thương mại, dân TQ đổ xô xem bói về ông Trump
Trước diễn tiến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, nhiều người Trung Quốc đã nhờ cậy các thầy bói về Tổng thống Trump.
Đây mới là bản chất sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Các chuyên gia đều nhận định bản chất sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay không đơn thuần là vấn đề thương mại nằm ở mấy chục tỷ hàng hóa bị đánh thuế.
Chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới Thế chiến?
Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump dùng thuế để khoa trương sức mạnh của Mỹ không phải mới mà có từ thời kỳ đen tối nhất của lịch sử hiện đại.
Thế giới 24h: Mỹ-Trung khai hỏa chiến tranh thương mại
Mỹ và Trung Quốc, ngày 6/7, chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.