Nếu Trung Quốc định giữ các đảo tranh chấp với láng giềng bằng vũ lực, họ sẽ bị phản ứng mạnh mẽ.

{keywords}
Tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Presstv

Tuần này, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Á với điểm khởi đầu Nhật Bản - nơi các chính khách đang nổi giận vì Trung Quốc. Sau đó, ông đã tới Bắc Kinh - nơi đang bất mãn về hành xử của Tokyo rồi hôm nay, ông đến Hàn Quốc - đất nước đang sùng sục với những diễn biến của cả Nhật và Trung Quốc.

Chào đón ông Biden là một Đông Á với bối cảnh mới mẻ.

Hai tuần trước, người ta đã được nghe tới cái gọi là "Vùng xác định phòng không" - kiểu những quy định bay thời Chiến tranh Lạnh mà Trung Quốc quyết định áp dụng với một khu vực khá rộng ở Hoa Đông. Những quy định tối tăm mơ hồ này đã trở thành điểm nóng mới nhất trong lịch sử tranh chấp của khu vực tới nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Không phận quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bỗng nhiên trở thành không phận gây tranh cãi nhất thế giới.

Đưa ra các quy định bay là một phần của toan tính lớn hơn: chiến thuật tăng áp lực của Trung Quốc để thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở những lãnh thổ tranh chấp, nhất là với quần đảo nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ quyền. Kể từ năm 2008, và nhất là trong năm qua, Trung Quốc đã điều động nhiều tàu tuần tra xung quanh quần đảo. Vùng phòng không mà họ mới tuyên bố bao gồm không phận bên trên quần đảo này.

Trong thực tế, chương trình nghị sự lâu dài của Trung Quốc là áp dụng sự kiểm soát lớn hơn với Hoa Đông và Biển Đông, nhanh chóng và dễ dàng đẩy lùi ưu thế Hải quân Mỹ ra khỏi tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang nỗ lực có được tham vọng như những gì mà nhiều cường quốc thường làm: ngăn chặn quốc gia khác khỏi phạm vi thống trị trong khu vực của mình.

Động thái mới nhất của Trung Quốc khiến Mỹ - Nhật lâm vào thế khó. Tokyo đã phấn khích khi hai máy bay ném bom B52 của Mỹ bay quanh vùng tranh chấp mà phớt lờ quy định Trung Quốc đưa ra. Nhưng sự hài lòng nhanh chóng bị dập tắt khi Washington nói với các hãng hàng không thương mại Mỹ cần tuân thủ quy định mới. Nhật đã nhìn thấy áp lực từ Trung Quốc như một thách thức trực tiếp và nóng bỏng.

Nước cờ mạo hiểm

Dù sao thì chiến thuật của người Trung Quốc quả thực khá thông minh. Cân nhắc sức mạnh hải quân Nhật, người Trung Quốc hiểu rằng họ không thể đơn giản khẳng định sự kiểm soát với Senkaku/Điếu Ngư như họ từng làm năm ngoái với bãi cạn Scarborough ở Hoa Đông. Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này. Nếu Nhật Bản và Mỹ duy trì một lập trường vững chắc và có kỷ luật, tránh sự khiêu khích thì hiện trạng có thể giữ vững trong một thời gian.

Nếu Trung Quốc toan tính dùng sức mạnh để thế chân Nhật kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư thì điểm yếu sẽ vượt trội mọi lợi ích tiềm năng. Quần đảo không có người ở đã trở thành biểu tượng cạnh tranh của chủ nghĩa dân tộc, của giành giật ảnh hưởng, nhưng lại có rất ít giá trị chiến lược và khó bảo vệ.

Hậu quả ngoại giao trong khu vực sẽ rất lớn. Bắc Kinh muốn cô lập Nhật tại châu Á, muốn rung chuông báo động các nước khác về chủ nghĩa xét lại thời Thế chiến II. Nhưng nếu dùng vũ lực, họ sẽ tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực dành cho Nhật. Ngay cả Hàn Quốc, nước "cơm không lành" với Nhật cũng bất bình vì Vùng phòng không Trung Quốc.

Nghĩa là, Bắc Kinh đã làm gia tăng sự thù địch trong khu vực với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc sở hữu nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống thương mại mở, dường như cho rằng, cách tiếp cận cứng rắn của họ cuối cùng sẽ buộc Nhật tuân thủ thiết kế họ áp đặt cho khu vực.

Nhưng kết quả sẽ là một trong hai chọn lựa rất khác biệt: một liên minh Mỹ - Nhật bền chặt hơn hay sự thay đổi lớn trong nội tại nước Nhật hướng tới củng cố và tăng cường sức mạnh phòng thủ kể cả khả năng sở hữu bom hạt nhân. Bắc Kinh luôn cảnh báo không ngừng về sự hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản nhưng họ lại tạo điều kiện cho nó sống lại.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc thực sự nghĩ gì trong nước cờ cuối cùng. Ở bài phát biểu gần đây tại Bắc Kinh, Paul Keating, cựu Thủ tướng Australia đã vạch ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Bắc Kinh phải đối mặt. Ông Keating nằm trong nhóm nhỏ lãnh đạo nghỉ hưu ở châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, Mỹ cần làm nhiều hơn để chia sẻ lợi ích và quyền lực trong khu vực với Bắc Kinh. Nhưng trước người Trung Quốc, ông đưa ra cách nhìn nhận khác: “Không có một trật tự ổn định và hòa bình ở châu Á trừ phi Nhật thực sự cảm thấy như vậy".

Nếu Bắc Kinh thực sự muốn định hình thế kỷ tiếp theo ở châu Á dựa trên "phí tổn" của Mỹ, họ sẽ cần bạn bè và đồng minh ủng hộ các ưu tiên cũng như chương trình nghị sự đặt ra. Nếu chỉ nỗ lực ép buộc các láng giềng, họ sẽ tự biến mình trở thành một nước lớn cô độc.

Thái An (theo Financial Times)