Cuối tháng 1 vừa qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ra thông báo khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox có chứa hai chất cấm là Sibutramine và Phenolphthalein, được cho gây nguy hiểm với người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng nhịp tim và gây ung thư…
Hàng loạt sản phẩm vi phạm
Trước đó, cuối tháng 10-2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã đăng tải thông cáo báo chí của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HAS) về việc thu giữ một số sản phẩm giảm cân và thuốc bất hợp pháp có tên là "Golean Detox" được bán trực tuyến tại Singapore. Sản phẩm của Công ty Matxi S.G Co.Ltd, trụ sở đặt tại 129 Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Sau khi rà soát việc cấp phép, đầu tháng 12-2018, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty TNHH Mat Xi S.G thu hồi lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe Golean Detox (sản xuất ngày 29-8-2018, hạn sử dụng đến ngày 29-8-2019 và lô sản xuất 20-10-2018, hạn sử dụng đến ngày 20-10-2019) do kết quả kiểm nghiệm có chứa Sibutramine.
Những sản phẩm trà giảm cân chứa chất cấm được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng bị thu hồi thời gian qua. (Ảnh chụp màn hình) |
Cũng trong năm 2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã thu hồi nhiều sản phẩm chức năng có tác dụng giảm cân như trà thảo mộc Hoa Sâm Đất; thuốc giảm cân Đông y gia truyền họ Nguyễn; thuốc tăng, giảm cân Đông y Tiến Hạnh; trà giảm cân Cường Anh... vì có chứa chất cấm gây hại sức khỏe cho người sử dụng. Đáng nói là nhiều sản phẩm lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng, qua mặt cơ quan chức năng, lừa dối người tiêu dùng bằng sự mập mờ khó phân biệt.
Lý giải việc nhiều loại trà giảm cân cũng như thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm mà phổ biến là Sibutramine, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết Sibutramine từng được sử dụng là chất giảm béo với cơ chế đơn giản. Khi vào cơ thể chất này sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh để mất cảm giác đói, vì thế người sử dụng không muốn ăn, dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng nên gầy đi. Tuy nhiên, chất này có tác động vào hệ thống thần kinh trung ương, có thể khiến người sử dụng bị ảo giác, tâm thần, tim mạch, cao huyết áp… Còn hoạt chất Phenolphtalein có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim xung huyết hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành. Chính vì chúng có tác dụng trong việc giảm cảm giác thèm ăn nên dù bị cấm nhưng nhiều cơ sở sản xuất vẫn lén lút trộn chất cấm này vào sản phẩm rồi công khai quảng cáo là thành phần là tự nhiên, thảo dược để đánh lừa người tiêu dùng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cũng khẳng định Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấm sử dụng từ năm 2011 do gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt ở người bị huyết áp, tim mạch. Khi uống sản phẩm giảm cân mà có cảm giác không thèm ăn uống, ngán thức ăn hoặc ăn rất ít nhưng mau no, leo cầu thang hoặc xách vật nặng dễ mệt lả, tim đập nhanh… có thể phẩm chứa hoạt chất Sibutramine.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức dẫn các nghiên cứu cho thấy chất Sibutramine làm tăng đáng kể huyết áp hoặc nhịp tim ở một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc và gây nguy cơ đáng kể cho những bệnh nhân có tiền sử bệnh về tim như suy tim, đột quỵ… Thậm chí nó còn có thể gây ra những tương tác bất lợi như đe dọa tính mạng nếu dùng chung với những loại thuốc khác mà người tiêu dùng đang dùng để trị bệnh. "Không chỉ có hoạt chất Sibutramine mà Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) còn cấm những hoạt chất khác như Penproporex, Pumetanide, Furosemide, Cetilistat, Phenolphthalein… trong các sản phẩm giảm cân vì gây hại cho tim mạch, huyết áp, gan, thận" - PGS Đức lưu ý.
Vẫn bán tràn lan
Mặc dù đã được nhiều nước khuyến cáo, thu hồi nhưng trà giảm cân Golean Detox vẫn được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website và một số trang thương mại điện tử uy tín, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Sản phẩm Golean Detox được bán với giá từ 400.000-650.000 đồng/hộp, mỗi hộp uống trong 14 ngày. "Thần dược" này được quảng cáo là một loại trà giảm mỡ toàn cơ thể, bào chế từ thảo dược, không chỉ làm tan mỡ, giảm bụng mà còn giúp đào thải độc tố thần tốc chỉ trong 1- 2 tuần mà không cần kiêng ăn hay luyện tập khắt khe. Để lấy niềm tin của khách hàng, người bán còn công bố những hình ảnh bụng mỡ tan biến sau 1-3 tuần sử dụng sản phẩm.
Không riêng gì Golean Dox mà trên thị trường hiện nay còn có hàng trăm sản phẩm trà giảm cân bán công khai ở các cửa hàng thuốc tây, hiệu thuốc đông dược, website thương mại điện tử lớn, và đặc biệt là những cá nhân trên mạng xã hội Facebook với vai trò là đại lý hoặc người bán lẻ của các cơ sở sản xuất. Giá bán cũng tương tự Golean Detox hoặc rẻ hơn nhiều. Các sản phẩm này cũng được quảng cáo là giảm cân không mất nhiều thời gian, không cần phải ăn kiêng, cũng như không bị tác dụng phụ do sử dụng 100% thảo dược thiên nhiên như: trà xanh, lá sen, linh chi, tinh dầu, trạch tả, đinh lăng, táo đỏ, đậu xanh…
Hầu hết người bán đều khẳng định sản phẩm của mình đã được kiểm định nguồn gốc rõ ràng, có cả chứng nhận, xác nhận của các cơ quan chức năng của Việt Nam lẫn quốc tế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế các chứng nhận cho sản phẩm liên quan đến trà giảm cân chỉ là xác nhận công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm, sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chưa thấy cơ quan nào chứng nhận cho sản phẩm trà có công dụng giảm cân.
Bà Lê Thúy Hà - ở quận 1, TP HCM - cho biết thấy trà giảm cân quảng cáo hấp dẫn chỉ sau vài ngày sử dụng sẽ giảm liền vài ba ký; một, hai tuần giảm tiếp gần cả chục ký. Tuy nhiên, bà đã tốn tiền triệu đồng để sử dụng trà giảm cân cả tháng trời nhưng chẳng được giảm ký nào mà chỉ thấy cơ thể mệt mỏi.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, mặc dù Bộ Y tế đã cấm sử dụng hoạt chất Sibutramine nhưng thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm giảm cân có chứa hoạt chất này. Vì thế, năm 2019 cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đặc biệt là nhưng sản phẩm giảm cân và hỗ trợ sinh lý nam giới. "Với những sản phẩm từng bị phát hiện có vi phạm cơ quan chức năng sẽ đưa vào nhóm "danh sách đen" để tăng cường hậu kiểm" - ông Phong nói.
Lách luật để tránh bị xử lý Ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận có tình trạng lách luật của không ít doanh nghiệp khi cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm A của công ty B vi phạm nhưng khi làm việc, đại diện công ty khẳng định không có website và không thực hiện quảng cáo sản phẩm nói trên. "Đây cũng là vấn đề khiến chúng tôi gặp khó khăn trong quản lý, xử phạt các công ty quảng cáo sai phạm. Với những doanh nghiệp không thừa nhận có quảng cáo, ngoài đưa thông tin cảnh báo công khai tới người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển thông tin sang Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý theo quy định" - ông Phong nói. |
(Theo NLĐ)