Niềm tin tâm linh về tìm mộ chỉ xác đáng khi được hỗ trợ và chứng minh của khoa học, của đội ngũ những người làm khoa học chuyên nghiệp.

Có một thời kỳ chúng ta “tôn vinh” không ít nhà ngoại cảm, ghi nhận công trạng của họ trong việc tìm kiếm các hài cốt đã mất dấu trong chiến tranh. Việc làm của họ đã xoa dịu nỗi đau không ít gia đình ở đất nước này, nơi có ít nhất một người lính. Nỗi đau riêng trở thành nỗi đau chung của cả dân tộc. Không ít nghĩa trang đã quy tập hàng trăm ngôi mộ vô danh nhờ phương pháp ngoại cảm. Không ít người đã tìm lại được những liệt sĩ là người thân nhờ các nhà ngoại cảm chỉ dẫn.

Thậm chí Nhà nước đã đồng ý cho thành lập Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, tập hợp nhiều nhà ngoại cảm để phục vụ cho mục đích nhân đạo này.

Trả lại tên cho anh

Mọi việc cứ thế diễn ra tốt đẹp, nếu các nhà ngoại cảm chứng minh được công năng đặc biệt, và việc tìm kiếm hài cốt được thực hiện bằng lương tâm trong sáng. Các gia đình có thân nhân liệt sĩ mất tích tiếp tục kỳ vọng những nắm xương cốt. thậm chí đã biến thành đất đen ở đâu đó, cũng sẽ có ngày được nhà ngoại cảm “trả lại tên cho anh”.

{keywords}
Nhà ngoại cảm "Cậu Thủy" và các vật chứng do cơ quan điều tra thu giữ. Ảnh: Quân đội nhân dân

Nhưng các vụ việc lùm xùm quanh "Cậu Thủy" gần đây, khiến báo chí có hàng trăm bài viết về ngoại cảm.

Mới đây thôi, vụ chị Lê Thị Thanh Huyền bị ông bác sĩ vô lương tâm Nguyễn Mạnh Tường ném xác xuống sông Hồng (?) đã khiến xuất hiện không ít nhà ngoại cảm đến đua nhau tìm kiếm…Nhưng hơn chục ngày đã trôi qua thi thể chị H vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Các nhà ngoại cảm  gây phiền toái đến nỗi người nhà gọi công an đến can thiệp khỏi làm phiền.

Nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh đã lên tiếng như, Bộ trưởng Quốc phòng khuyến cáo: Không nên tin nhà ngoại cảm tìm liệt sỹ (2).

Những lời phán của nhà ngoại cảm dù nghe hợp lý đến đâu chăng nữa, những niềm tin của người nhà liệt sĩ có mãnh liệt bao nhiêu chăng nữa, thì cũng không thể “lại” với khoa học trong việc sử dụng các biện pháp xác minh hiện vật để lại là mẫu xương, nắm đất, sợi tóc, việc test mã AND, việc sử dụng carbon để định vị tuổi…sẽ cho ra những kết quả rõ mười mươi là người hay vật.

Phút chốc, dưới sự hỗ trợ đắc lực của công cụ khoa học, từ niềm tin chuyển sang nghi ngờ, thậm chí dẫn tới đổ vỡ niềm tin.

Sự bất an

Trong xã hội hiện đại, con người đang vận hành theo các hệ giá trị. Hệ giá trị hiện nay có thể có nhiều thứ xét cả trên phương diện đạo đức, khoa học và xã hội. Quanh chuyện tâm linh, có thể hiểu như sau:

- Giá trị xác thực của các nhu cầu: Tính xác đáng hay không xác đáng, được đền đáp và thường mang tính trực tiếp. Việc tìm mộ liệt sĩ, tìm người thân của các gia đình là chính đáng và nó được đặt ra trực tiếp, không ai nghi ngờ về điều này.

- Niềm tin, lòng tin đúng chỗ hay không đúng chỗ (chủ yếu tồn tại nhờ dự cảm tâm lý, tâm linh). Điều này chúng ta có quyền nghi ngờ, bởi đối tượng để đặt niềm tin đúng chỗ, là ai, người đó có tài cán gì, đạo đức ra sao? Chuyện này khó có thể thẩm định một sớm một chiều.

- Sự thật, chân lý có khách quan hay là chủ quan, điều này được chứng minh bằng khoa học. Những di vật liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, sau khi tìm thấy cần phải xác minh, chứng minh để có được sự chính xác, mới có được sự an tâm, thanh thản.

Nếu coi 03 yếu tố đây là những giá trị cốt lõi của việc tìm mộ, thì quả thực, những câu chuyện ngoại cảm (hành vi, kết quả thu được nhờ “ngoại cảm”) thời gian qua đang ít nhiều gây xáo trộn.

Nguyên nhân xuất phát từ cả phía người tìm mộ thân nhân và cả các nhà ngoại cảm “rởm”. Người tìm mộ thì phạm quy trình thẩm định “giá trị”, nhà ngoại cảm không chân chính thị lợi dụng lòng tin để đục nước béo cò: đánh bóng tên tuổi, để trục lợi trên lòng tin của người khác.

Việc sử dụng ngoại cảm tìm mộ, chính là xuất phát từ nhu cầu rất xác đáng và chính đáng, đó là tìm lại hài cốt người thân của mình, đưa về thờ phụng, hương khói và nhu cầu này rất cần được đáp ứng. Để đáp ứng được nhu cầu xác thực đó thì nhiều phương thức được tính đến nhưng phương thức ngoại cảm được coi là khã dĩ nhất. Bởi những kí ức chiến tranh đã xóa dấu vết, ai đọc được những gì lẩn khuất trong thời gian và không gian đã thay đổi. Nhà ngoại cảm với những “công năng đặc dị” đã trở thành cứu cánh niềm tin của nhiều gia đình.

Cũng chính vì niềm tin đặt vào các nhà ngoại cảm đôi khi lớn quá, thậm chí bị thổi phồng mà người ta quên rằng, cần chứng minh sự thật, tức cần khoa học: Cần xét nghiệm, thử nghiệm, xem đó có phải là hài cốt của người thân ruột thịt gia đình mình hay không.

Chính vì niềm tin lớn quá, sự xót đau máu mủ với người đã mất, và về tâm lý, được thõa mãn một cách “tâm linh” nên nhiều gia đình đã bỏ qua thao tác xác minh bằng các phương pháp và công cụ khoa học đối với các di vật, hài cốt.

Lý giải cho việc sở dĩ một thời xã hội ngợi ca, thậm chí tôn vinh các nhà ngoại cảm là vì họ đã làm được những điều phi thường trong mắt người bình thường, hóa giải được những cảm xúc trăn trở của hàng vạn gia đình có nỗi đau hi sinh người thân trong chiến tranh. Nhưng điều đáng nói và lên án là, không ít đối tượng, năng lực ngoại cảm không có nhưng lại lợi dụng bức xúc của thân nhân liệt sĩ, dựng chuyện hoang tưởng, đánh vào tâm lý con người để trục lợi, một cách bất nhân, phạm pháp, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.  

Có thể thấy, từ tin đến không tin là một sự chuyển đổi giá trị. Từ cái tưởng là thật đến chứng minh không phải là thật là một sự chuyển đổi giá trị thứ hai.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, nhu cầu về tìm mộ là chính đáng. Nhưng niềm tin tâm linh về tìm mộ chỉ xác đáng khi được hỗ trợ và chứng minh của khoa học, của đội ngũ nhưng người làm khoa học chuyên nghiệp.

Rốt cục sau những chuyện như thế, niềm tin bị lung lay dữ dội. Lòng người thực sự hoang mang, Nguy hiểm thay cho xã hội, khi người ta ca thán với nhau: Chẳng biết đâu là giả, đâu là thực.

  • Phạm Thạch Hoàng

(1). http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/ts-do-kien-cuong-tat-ca-ngoai-cam-tim-mo-deu-la-lua-dao-n20131030105442933.htm

(2). http://www.tienphong.vn/xa-hoi/654058/Bo-truong-Quoc-phong-Khong-nen-tin-nha-ngoai-cam-tim-liet-sy-tpov.html