“Chỉ có cơ chế pháp lý bảo vệ vai trò của cộng đồng thì mới có thể giúp việc bảo tồn đi đúng hướng và tránh được các rủi ro, trong đó có nhóm lợi ích”.
Đây là một trong những ý kiến đáng chú ý trong buổi tọa đàm “10 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - cái được và chưa được - định hướng tương lai” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.
Từ dân tới lãnh đạo, nhận thức đều hạn chế
Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam.
Tháng 10/2013, Công ước về bảo vệ Di văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của UNESCO được Đại hội đồng các thành viên thông qua. Sau 10 năm cam kết thực hiện, Việt Nam đã thực hiện hàng trăm chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo vệ DSVHPVT. Tính đến tháng 1/2013 đã có 13.536 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, thống kê đến nay đã có 35 DSVHPVT được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gần 460 dự án sưu tầm, nghiên cứu đã được thực hiện, 38 lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được phục hồi…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, thách thức, khó khăn. “ Nhận thức về DSVHPVT và ý nghĩa của việc bảo vệ trong một bộ phận cấp lãnh đạo, của chủ đầu tư lẫn những người tham gia các chương trình, hoạt động, dự án, đặc biệt là nhận thức về vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa vẫn còn hạn chế dẫn đến thái độ làm thay cộng đồng hoặc can thiệp không đúng cách vào di sản. Thậm chí có những trường hợp lợi dụng di sản để kiếm lời bất chính”, bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng phòng Quản lý DSVHPVT, Cục Di sản phát biểu.
Hội Gióng đã thực sự là lễ hội của dân |
Thêm vào đó, theo bà Dung, một số dự án phục hồi DSVHPVT có biểu hiện áp đặt yếu tố mới không có cơ sở khoa học, không phù hợp với truyền thống địa phương. Trình độ cán bộ trong công tác quản lý còn hạn chế nên cá biệt có nhiều nơi vì chạy theo danh hiệu mà làm mất đi yếu tố truyền thống của di sản.
Th.S Nguyễn Đức Tăng, văn phòng UNESCO tại Hà Nội đưa ra một ví dụ, năm 2010, nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, nhà nước có chủ trương diễn lại Hội Gióng để phục vụ lễ hội này. Với quan điểm là Hội Gióng lần này diễn ra khác với thời gian chính Hội Gióng truyền thống nên khi người dân tham gia đều được trả tiền. Điều này theo ông Tăng trong thực tế đã tạo ra một tiền lệ không tốt: Khi tổ chức lễ hội nhà nước phải trả tiền thì dân mới tham gia. Do đó đã có cảnh chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến lễ Hội Gióng mà xã vẫn chưa có đủ số ông Hiệu tham gia. Do vậy, sự can thiệp từ bên ngoài đôi khi làm cho tinh thần tự nguyện tham gia hội của chính người dân bị xâm hại.
Trả lại thẩm quyền văn hóa cho dân
Theo Th.S Nguyễn Đức Tăng, không có mô hình mẫu nào có thể áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực DSVHPVT. Ông Tăng lấy ví dụ trường hợp ở Hội Gióng, mặc dầu trưởng BQL Di tích Lịch sử xã Phù Đổng là chủ tịch UBND xã nhưng toàn bộ quyền quyết định có liên quan tới tổ chức Hội Gióng lại thuộc về các bô lão trong làng, lãnh đạo xã và các cán bộ ban nghành chỉ tham gia với tư cách chỉ đạo, hướng dẫn, vận động.
Hà Nội hiện nay đang quản lý và phát triển ca trù theo hình thức câu lạc bộ, rất gần với mô hình “giáo phường” truyền thống, giúp ca trù có được môi trường sống mới và phần nào đã tránh được nguy cơ mai một.
Chính vì lẽ đó, ông Tăng khuyến nghị các cơ quan hữu quan trong thời gian tới chỉ nên đóng vai trò tư vấn, định hướng và hỗ trợ quản lý di sản, nâng cao năng lực tự quản lý cho cộng đồng. Không ai bảo vệ di sản tốt hơn chủ thể của nó. “Chỉ có cơ chế pháp lý bảo vệ vai trò của cộng đồng thì mới có thể giúp việc bảo tồn đi đúng hướng và tránh được các rủi ro, trong đó có nhóm lợi ích”, ông Tăng nói.
GS Tô Ngọc Thanh: Tạo môi trường mới cho di sản
Các di sản bây giờ đang đối diện với một sự thay đổi mà không có gì kìm hãm được. Tất cả môi trường của di sản hầu như không còn. Trước tình hình như vậy, nên tạo cho nó một môi trường mới, môi trường đó phải được nhà nước công nhận. Hát dô, hát cửa đình, múa hát bài bông... tôi đã làm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Tôi đã đề nghị với chính quyền xã có di sản là vẫn giữ ngày lễ thánh, bởi vì các loại hình hát múa này sinh ra từ ngày lễ thánh này. Trước kiêng 36 năm mới được hát lại một lần thì bây giờ nên năm nào cũng tổ chức để luôn luôn huy động tiềm năng của nhân dân, đồng thời để bảo tồn nó.
Ngoài hát thánh ra, tôi còn đề nghị cho đi hát hội diễn. Tất nhiên, phần hát thờ tuyệt nhiên không động đến nhưng phần hát bỏ bộ thì cứ thoải mái hát. Chẳng hạn như "Lên chùa bẻ một cành sen, lên chùa bẻ một cành sen", câu hát hay thế tại sao không hát được ở hội diễn?
GS Vũ Khiêu: Quản lý cả những người quản lý di sản
Trách nhiệm của cả cộng đồng chúng ta là phải duy trì di sản văn hóa phi vật thể và chuyển giao những di sản đó cho người kế cận sau này. Chúng ta phải quản lý di sản này thật tốt và cũng phải quản lý cả những người quản lý di sản thì mới hiệu quả.
|
T. Lê