- Thảo luận tổ chiều nay (16/11) về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các ĐB băn khoăn nhiều về tính thực tiễn của chế độ lương tối thiểu đang áp dụng hiện nay.
>> 9 năm nữa, lương công chức có thể nuôi cả nhà
>> Lương công chức thấp nhưng đường thăng tiến lấp lánh?
>> 2012 -2014: Lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thấy mức lương tối thiểu hiện nay chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu cuộc sống của người lao động, các doanh nghiệp dựa trên mức này chỉ tăng thêm 10-20-30% thì cũng chưa đủ bù đắp 40% thiếu hụt, chưa kể tái tạo sức lao động.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ví dụ "một sinh viên mới ra trường, lương hơn hai triệu, nếu ở thành phố phải thuê nhà 500 nghìn đồng, xăng xe máy 300 nghìn đồng, còn lại ăn uống" thì "hai vợ chồng không nuôi nổi con". Lương thấp thì khó tránh "chân ngoài dài hơn chân trong'', bà An nói.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) thấy dự luật ghi "tiền lương tối thiểu là đảm bảo cuộc sống tối thiểu" là không thỏa đáng, vì "mức sống ngày càng tăng lên, chỉ tối thiểu thì sao đủ sống". ĐB Phạm Hồng Hương (Hải Dương) thì thấy chế độ lương tối thiểu hiện nay đang bị nhiều chủ doanh nghiệp (DN) lợi dụng, gây thiệt thòi cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Phong cũng chỉ ra sự tồn tại song song hai hệ thống bảng lương trong các DN. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) phân tích rõ hơn: "Trong thực tiễn có hai cách trả lương: một là lương thực trả (theo giá trị tuyệt đối), một nhân hệ số lương cơ bản".
Ông Hòa cho rằng phải tiến tới thống nhất cách trả lương, vì "thuế, phí tính trên lương đang không thống nhất". ĐB TP.HCM đề nghị đều phải tính theo lương thực trả.
ĐB Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) lại lưu ý đến sự chênh lệch thu nhập quá lớn giữa các ngành nghề: người làm trong ngân hàng, viễn thông, dầu khí... thu nhập rất cao trong khi ở nhiều ngành nghề vất vả, nguy hiểm lại thu nhập thấp. Ông Tỷ thấy "không an tâm", cảm thấy chính sách lương như thế là không vững chắc, dễ tụt hậu.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Cách điều chỉnh tiền lương tối thiểu như hiện nay chưa theo được mức trượt giá. Ảnh: Chung Hoàng |
Điều chỉnh lương theo biến động giá cả
Ông Đặng Thuần Phong đồng ý duy trì chế độ lương tối thiểu nhưng phải tính đúng, tính đủ. ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) thì cho rằng lương tối thiểu không nhất thiết cứ điều chỉnh năm một như hiện nay, mà nên điều chỉnh theo biến động giá cả thị trường.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) còn đề xuất cách cải tiến tình trạng "quy định chung chung rồi lại điều chỉnh vô tội vạ" này: Tính toán để đưa ra cụ thể một mức lương tối thiểu (có thể 3-5 triệu đồng) rồi các doanh nghiệp căn cứ mức trượt giá do Chính phủ công bố hàng tháng mà nhân lên thành lương thực trả cho người lao động.
Ông Thuyền thấy cách điều chỉnh tiền lương tối thiểu như hiện nay chưa bao giờ theo được mức trượt giá trên thực tế.
ĐB Đặng Thuần Phong chỉ ra vấn đề lương cũng chính là nguyên nhân khiến người lao động phải tranh thủ làm thêm giờ, thậm chí họ còn chủ động xin làm thêm.
Vì thế ông cho rằng chỉ nên để người lao động làm thêm một số giờ nhất định để giải quyết nhu cầu thu nhập, chứ đề xuất tăng lên hơn 200 giờ/năm, thậm chí 300 giờ/năm như dự luật là không ổn, không đảm bảo sức khỏe, tái sản xuất sức lao động cũng như cuộc sống xã hội của người lao động.
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng không đồng ý với cái lý tăng số giờ làm thêm vì "người lao động không muốn vui chơi giải trí, chỉ muốn kiếm thêm tiền".
Ông Phong còn lo nới rộng số giờ làm thêm sẽ tạo điều kiện cho chủ DN lợi dụng, lấy cớ đơn đặt hàng tăng để bắt công nhân làm thêm giờ chứ không thuê thêm nhân công để tránh nộp BHXH.
Ông Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cũng lưu ý việc lợi dụng giờ làm thêm như một hình thức "bóc lột sức lao động tinh vi": mỗi người chỉ làm thêm vài chục phút mỗi ngày, nhận thêm một chút thù lao, nhưng mỗi nhà máy đều có hàng nghìn công nhân, giá trị làm ra trong vài chục phút đó không hề nhỏ.
Ông Tỷ đồng tình với ông Phong không tăng số giờ làm thêm, "thậm chí xu hướng còn phải là ngày càng giảm đi".
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa thì cho rằng quy định 200 hay 300 giờ mà chưa có khảo sát khoa học về thể trạng, sức khỏe, tâm sinh lý của người lao động thì đều là chủ quan.
Chung Hoàng - Lê Nhung