Mảnh đất được ưu đãi để trồng chè

Hoàng Su Phì là huyện miền núi phía tây tỉnh Hà Giang với tổng diện tích cây chè là 4.654 ha. Toàn huyện có 8 hợp tác xã sản xuất chế biến chè quy mô từ 3-5 tấn/ngày trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 20 cơ sở chế biến quy mô lớn theo hộ, nhóm hộ và 300 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình.

Phìn Hồ là bản vùng cao và xa nhất của xã Thông Nguyên, cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì (Hà Giang) hơn 35km thuộc tỉnh Hà Giang. Bản Phìn Hồ nằm ở độ cao 1.500-2.000m, có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 14-22 °C, mưa nhiều, độ ẩm thường trên 80%, thường xuyên có sương mù khô. Khí hậu này rất phù hợp để trồng các cây dược liệu, trà shan tuyết.

{keywords}
Ảnh: Trà cổ thụ

Trà Phìn Hồ được đồng bào Dao chủ yếu thu hái từ những gốc chè Shan tự nhiên. Nơi núi cao, thời tiết quanh năm sương mù bao phủ, có cả băng tuyết đã giúp những cây chè ở đây có một sức sống dẻo dai bền bỉ.

Cũng chính bởi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu núi cao mát mẻ, môi trường thiên nhiên trong lành, nên giống trà shan tuyết ở Hoàng Su Phì nói chung và trà Shan Tuyết Phìn Hồ nói riêng nổi tiếng bởi có chất lượng an toàn, nguyên liệu sạch và một hương vị thơm ngon tinh khiết.

Lá chè to, dài 3-6cm búp và lá non có nhiều lông măng trắng bạc như tuyết, ngay cả khi sao khô vẫn thấy một màu trắng đục đặc trưng. Trà shan tuyết Phìn Hồ có mùi thơm rất đặc trưng, vị đượm, nước xanh ngà, ngọt hậu.

Vượt lên khẳng định thương hiệu Việt

Nhận thức được lợi thế đó huyện Hoàng Su Phì đã đầu tư, hỗ trợ người dân, hợp tác xã phát triển cây chè.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Hoàng Su Phì cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây chè và sản xuất các sản phẩm chè như hỗ trợ trồng mới 107ha; trồng dặm 17 ha từ nguồn vốn chương trình 30a với kinh phí 390 triệu đồng.

Huyện hỗ trợ nâng cấp dây chuyền máy móc cho Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, Hợp tác xã chế biến Nông lâm sản Hoàng Su Phì với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác cho sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, mỗi sản phẩm 120 triệu đồng.

Hàng năm, huyện Hoàng Su Phì cũng tổ chức tập huấn trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (trên 2.700 hộ tham gia).

Ngành chức năng phối hợp với Hội Nông dân thành lập, duy trì hoạt động các nhóm trồng, sơ chế, chế biến chè tại 4 xã Nậm Ty, Túng Sán, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ.

Tại huyện Hoàng Su Phì, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ là đơn vị đầu tiên đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại sử dụng các nguyên liệu đốt như gas, điện, dầu diezen thay củi. Hợp tác xã này đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Túng Sán… thu mua, sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm chè từ bình dân đến cao cấp như, chè xanh, chè vàng, hồng trà, bạch trà và matcha…

Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 193 sản phẩm, trong đó 191 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3-4 sao. Hai sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao năm 2020 là Trà xanh hộp 100gr và Hồng trà hộp 100gr đều của Hợp tác xã Phìn Hồ.

{keywords}
Sản phẩm Trà xanh với hình ảnh nhận diện cụ già - là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Hà Giang được công nhận 5 sao quốc gia.

Kết quả trên cho thấy nỗ lực rất lớn của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các ngành huyện Hoàng Su Phì trong việc xây dựng sản phẩm chất lượng, mang giá trị, thương hiệu Hà Giang.

Việc đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2020 cũng như chứng chỉ OCOP là cơ hội cho hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được học hỏi, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý. Từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Những năm tới, Hà Giang sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại và khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường rà soát, xây dựng, công bố, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cùng với đó, tỉnh này cũng áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn, tên thương mại của các sản phẩm, từ đó khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu các sản phẩm OCOP của Hà Giang đến với thị trường trong và ngoài nước.

Bảo Phùng