- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý các di tích đang sử dụng sư tử và những hiện vật lạ trả lại cho những người đã trực tiếp cung tiến hiện vật.
Sáng 26/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp thông báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm 2014 do thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chủ trì.
Theo đó, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề nóng hiện nay là cách đưa các hiện vật lạ, sư tử ngoại lai ra khỏi di tích, công sở hợp lòng dân, tránh những cuộc hô hào đao to búa lớn. Sư tư ngoại lai sẽ 'sống' ở đâu khi di dời khỏi di tích hay cấm chỗ này lại phình ra chỗ kia?
Trước câu hỏi về “tương lai” số hiện vật này sau khi được trả lại cho những người cung tiến, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết: “Bộ không thể áp đặt việc chuyển những hiện vật này đi đâu đối với những người cung tiến hiện vật bởi đó là quyền cá nhân của họ”.
Sư tử đá ngoại lai dữ tợn ở các nơi thờ tự
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra khuyến cáo không chuyển các hiện vật lạ đó từ di tích này sang di tích khác và những nơi công cộng để tránh tình trạng linh vật ngoại lai “chạy lòng vòng” quanh các di tích.
Khuyến cáo thì như vậy nhưng chuyển di chuyển linh vật còn liên quan tới vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Hầu hết không ai muốn những thứ mình đã cung tiến vào đình chùa lại trở về nhà mình. Về vấn đề này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng khác để di dời hiện vật lạ. Bộ cũng đã đề nghị Cục di sản nghiên cứu kỹ các phương án giải quyết.
Trước đó, ngày 8/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trong cả nước, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Công văn này chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.
Ngày 22/8 vừa qua, trong cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình sử dụng linh vật, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh trong kế hoạch, từ nay đến tháng 11 Âm lịch, các Sở văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc sẽ khuyến cáo, đề nghị các tổ chức, cá nhân không trưng bày và cung tiến những hiện vật lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
"Đối với những nơi đang sử dụng các hiện vật này để trưng bày, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc sử dụng các biểu tượng, linh vật thuần Việt từ đó di dời vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đến tháng 12 Âm lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng loạt ra quân rà soát, kiên quyết di dời những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai này khỏi các di tích. Mục tiêu đặt ra là đến Tết Nguyên đán, các nơi thờ tự thể hiện đầy đủ giá trị của văn hoá thuần Việt,” bà Liên khẳng định.
T.L