Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số khoảng hơn 1 triệu dân, trong đó có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chiếm khoảng 32% dân số. Tỉnh Trà Vinh thuộc khu vực miền Tây có lợi thế về nông nghiệp, nên có nhiều sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây đặc sản… và các sản phẩm phát triển từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

spthucong.png
Làng nghề thủ công Đức Mỹ

Để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung phát triển thương mại điện tử, tập trung vào các nội dung.

Thứ nhất, phát triển các sàn thương mại điện tử Trà Vinh tại địa chỉ tại travinhtrade.com.vn. Hiện nay các trang thông tin, sàn thương mại điện tử của Trà Vinh cập nhật hơn 150 doanh nghiệp và hơn 750 sản phẩm các loại gồm hàng trăm sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và 300 sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng đang triển khai liên kết các sàn giao dịch giữa các tỉnh, trong đó đã liên kết được 18 tỉnh trong khu vực của miền Đông và miền Tây như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… để hỗ trợ công tác cho doanh nghiệp trong kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường hàng hóa.

Ngoài hoạt động kết nối cung cầu, Trà Vinh còn đẩy mạnh tham gia các gian hàng trực tuyến như là các gian hàng của Lazada, Tiki, TikTokshop… Hiện nay Trà Vinh cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3-4 sao tại các nền tảng này.

Đồng thời, tỉnh đang hỗ trợ các sản phẩm OCOP 5 sao tham gia các gian hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế. Các chương trình đã hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã trong tỉnh có những kiến thức cũng như là ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp tại Trà Vinh hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số doanh nghiệp còn rất thấp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn thương mại điện tử, dù đã được chú trọng quan tâm nhưng các doanh nghiệp địa phương chưa rành và chưa quan tâm nhiều đến mức độ có thể vận hành, thực hiện tốt.

Ngoài ra, sản hiện bà con nông dân, bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Trà Vinh chuyên sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần hỗ trợ cho bà con liên kết với các sàn thương mại điện tử để giúp bà con bà con nông dân sản xuất nông nghiệp được đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử kết nối, quảng bá, giới thiệu, thêm 1 kênh phân phối mới cũng như mở rộng thị trường trong nước, quốc tế, hướng tới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các nền tảng số cũng như là cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ nông dân về thị trường, dự báo cung cầu, năng lực sản xuất thông tin thời vụ. Từ đó góp phần giúp địa phương trong việc thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.

Những động thái này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, để đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm. 

Hiền Linh