Trà xanh là thức uống có nhiều tác dụng cho sức khỏe, trong đó có giảm cân. Do trà xanh được yêu thích, mọi người thường không quan tâm nhiều tới tác dụng phụ của loại nước này. 

Trà xanh là thức uống phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ảnh: Longevity.technology

Có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, Tiến sĩ người Ấn Độ Richa Garg chia sẻ về một số hạn chế của trà xanh trên Practo

Trà xanh hầu như an toàn cho người lớn khi uống ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, uống quá nhiều, hơn 3 cốc mỗi ngày, dễ gây ra các tác dụng phụ, thường do chất caffeine và tannin có trong trà. 

Tác dụng phụ bao gồm nhức đầu từ nhẹ đến nghiêm trọng, căng thẳng, các vấn đề về giấc ngủ, nôn mửa, tiêu chảy, cáu gắt, nhịp tim không đều, run rẩy, ợ nóng, chóng mắt, ù tai, co giật, lú lẫn. Ngoài ra, một số người không nên uống trà xanh. 

Bệnh nhân có vấn đề dạ dày

Tannin có trong trà xanh làm tăng axit trong dạ dày, dễ gây đau bụng, buồn nôn hoặc táo bón. Vì vậy, bạn không được uống trà xanh khi đói. Những người bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit cũng không nên uống quá nhiều. Một nghiên cứu kết luận trà là chất kích thích mạnh axit dạ dày, có thể giảm bớt bằng cách thêm sữa và đường.

Người thiếu sắt, thiếu máu

Catechin trong trà xanh có thể làm giảm hấp thu sắt từ thức ăn. Chiết xuất trà xanh làm giảm 25% khả năng hấp thụ sắt không phải heme. Đây là loại sắt có trong trứng, sữa và thực phẩm từ thực vật như đậu. 

Vitamin C làm tăng hấp thu sắt không heme, vì vậy bạn có thể vắt chanh vào trà hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C khác như bông cải xanh để bù đắp. Bạn cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ (bò, lợn, bê) hay cá hồi, cá rô, cá ngừ. 

Theo Viện Ung thư Quốc gia, uống trà giữa các bữa ăn dường như ít ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt hơn. 

Bất kỳ ai cũng không nên uống quá nhiều trà xanh mỗi ngày. Ảnh: Firstcry

Người nhạy cảm với caffeine

Trà xanh có chứa caffeine. Hấp thụ quá nhiều chất này có thể dẫn đến hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bất thường và run. Một số người không có khả năng dung nạp caffeine sẽ bị các triệu chứng đó ngay cả khi uống ít trà. 

Dùng đồ uống có nhiều caffeine cũng có thể cản trở hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sức khỏe của xương và tăng nguy cơ loãng xương. 

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú

Trà xanh có chứa caffeine, catechin và axit tannic. Cả ba chất này đều có liên quan đến nguy cơ khi mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, uống trà xanh với lượng nhỏ, khoảng 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Lượng trà xanh này cung cấp khoảng 200mg caffeine. 

Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 tách trà xanh/ngày có liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai và các tác động tiêu cực khác. Caffeine đi vào sữa mẹ dễ ảnh hưởng đến trẻ. Uống nhiều có thể gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, một số nhóm nên hạn chế uống trà xanh như người bị rối loạn cảm xúc, bệnh tim, tiêu chảy, tăng nhãn áp, bệnh gan, đang uống thuốc. 

Trẻ em cũng không nên uống trà xanh do tannin có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng như protein và chất béo ở trẻ. Caffeine cũng có thể dẫn đến kích thích quá mức.