1. Khi đang ở tầng chung cư cao, có cháy ở tầng dưới cần phải làm gì?
- Ở trong nhà đóng kín cửa lại
- Nhảy xuống dưới
- Cố chạy xuống
- Chạy lên tầng cao nhất
Trong trường hợp cháy từ bên ngoài, không đột ngột mở cửa lao ra vì nếu cháy lớn, lửa và khối sẽ táp thẳng vào mặt gây thương tích. Lúc này, cần bình tĩnh kiểm tra mức độ cháy bằng cách dùng mu bàn tay vào cửa hoặc quan sát xung quanh qua các khe của cánh cửa. Nếu không thấy quá nóng hoặc không thấy ánh lửa phía sau tức lửa chưa lan tới.
Áp người vào cửa, từ từ mở cửa để nhận biết mức độ khói và lửa bên ngoài, sau đó nhanh chóng chạy tới cầu thang thoát hiểm để lên tầng cao nhất chờ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy ứng cứu. Tuyệt đối không dùng thang máy bởi hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể ngắt bất cứ lúc nào, nếu mắc kẹt bên trong có nguy cơ thiếu oxy, ngạt khói, khí độc dẫn đến tử vong.
2. Đâu là cách di chuyển trong vùng nhiễm khói?
- Lao thật nhanh thoát khỏi đám khói
- Trùm áo kín đầu chạy qua
- Cúi thấp hoặc bò qua
Thông thường khu vực xung quanh đám cháy sẽ hình thành 2 vùng: không gian sát trần nhà bao gồm khói và khí độc; không gian phía dưới giáp sàn nhà là không khí sạch. Trong trường hợp di chuyển thoát hiểm, để tránh bị ngạt khói cần phải thực hiện theo nguyên tắc cúi thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường hướng ra cửa để thoát ra ngoài. Đồng thời, bạn cần phải sử dụng khăn hoặc vải mềm thấm ướt bịt vào mũi để hạn chế hít phải khói, khí độc.
Trường hợp bắt buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói, cần tìm khăn, áo khoác dày thấm đẫm nước, trùm lên người tránh bị cháy quần áo gây bỏng da trong lúc di chuyển. Lúc này vẫn tiếp tục dùng khăn ướt che mặt để tránh ngộ độc khí.
Nếu bên ngoài lửa đã quá lớn, bạn có thể đặt những miếng vải ướt dưới chân cánh cửa đóng kín để ngăn khói lan rộng. Sau đó, hãy tìm những lối thoát khác, ví dụ như cửa sổ, để thoát ra khỏi phòng.
3. Đâu là cách xử lý để dập lửa đám cháy xăng, dầu?
- Dùng bình chữa cháy CO2
- Dùng nước
- Dùng bình chữa cháy dạng bột
- Dùng quần áo
Khi gặp đám cháy xăng dầu, nên dùng bình chữa cháy dạng bột thay vì nước. Lý do là vì xăng dầu nhẹ hơn và không bị hòa tan trong nước nên khi dùng để xịt, té sẽ khiến xăng theo nước chảy xuống và lan ra. Đám cháy từ đó cũng sẽ lan rộng và khó kiểm soát hơn.
Việc dùng bình chữa cháy khí C02 cho những sự cố cháy nổ liên quan đến xăng dầu cũng rất nguy hiểm, nhất là khi sử dụng ngoài trời. Nếu không biết cách sử dụng, người dùng dễ bị khí dội ngược lại gây bỏng lạnh.
Với những đám cháy xăng dầu, cần dùng cát đắp đê để ngăn không cho chất cháy chảy loang, đồng thời dùng chăn chiên thấm nước phủ hoàn toàn bề mặt của đám cháy. Một điều quan trọng khác cần phải làm ngay lập tức là tắt cầu dao, đảm bảo cho cả căn nhà không bị chập điện.
4. Đâu là cách xử lý khi quần áo bị bắt lửa?
- Chạy tìm người hỗ trợ
- Nhảy xuống bể nước
- Nằm xuống lăn vòng quanh
- Dùng tay nhanh chóng dập lửa
Trong trường hợp quần áo bị bén cháy, cần nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực đám cháy rồi dừng lại, tuyệt đối không được chạy tiếp. Sau đó, bạn cần thật bình tĩnh nằm xuống đất lấy 2 tay che mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi ngọn lửa được dập tắt mới dừng lại.
Không nên chạy vòng quanh tìm người hỗ trợ vì điều đó chỉ làm ngọn lửa cháy nhanh hơn. Cũng không nên nhảy vào bể bơi, hồ nước trong khu vực cháy vì rất có thể lửa đã làm nóng nước, có thể gây bỏng toàn thân khi nhảy vào.
Trong trường hợp thấy quần áo của người khác bị bắt lửa, cần nhanh chóng lấy tấm vải dày hoặc áo, chăn để phủ kín lên vị trí quần áo bị cháy trên người nạn nhân. Dùng tay vỗ, đập vào điểm cháy đã được chăn, áo trùm lên để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa.
5. Khi gặp hỏa hoạn, cần gọi điện cho số điện thoại khẩn cấp nào?
- 112
- 113
- 114
- 115
Khi gặp hỏa hoạn hoặc phát hiện ra sự cố, nếu nhận thấy ngoài khả năng xử lý, cần ngay lập tức gọi điện thoại điến số 114. Nội dung thông tin cần cung cấp cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy gồm: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu?”, “Bạn nhìn thấy gì?”. Cần bình tĩnh đưa ra thông tin nhanh, đầy đủ, chính xác để hạn chế hậu quả do cháy nổ gây ra.