Ngày 18/3, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội), tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước đó, ngày 14/1, chị P.T.D.H. đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện Bạch Mai thông báo về tình trạng nguy kịch của chị. 

Dù được tích cực cứu chữa, nhưng sau 2 tháng hôn mê, cô gái phẫu thuật thẩm mỹ tử đã vong vào ngày 16/3.

{keywords}
Chị P.T.D.H. trước khi tử vong

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm quy định về khám chữa bệnh, gây thiệt hại đến tính mạng của người khác, nên việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ là cần thiết.

Theo quy định của pháp luật, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện tại các cơ sở được thành lập hợp pháp, có đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết, có bác sĩ phù hợp với chuyên ngành và thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định của Luật khám chữa bệnh.

Theo luật sư, để xem xét trách nhiệm pháp lý trong các vụ việc phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong, trước tiên cần làm rõ việc phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện như thế nào? Cơ sở thẩm mỹ nào đã thực hiện dịch vụ này? Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ có đầy đủ theo quy định pháp luật hay không?

Luật sư viện dẫn khoản 20, Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.

Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một trong các điều kiện là phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với các cơ sở hoạt động thẩm mỹ mà thực hiện các hoạt động xâm lấn, sử dụng các thủ thuật, các hoạt động phẫu thuật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, bác sĩ thực hiện phẫu thuật không có chuyên môn phù hợp thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư phân tích, trong vụ cô gái 22 tuổi đi nâng mũi, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, việc phẫu thuật thẩm mỹ không phải do tổ chức có đăng ký hoạt động khám chữa bệnh thực hiện (không phải là bệnh viện hay phòng khám đa khoa) và bác sĩ thực hiện không có chức năng, trình độ phù hợp, dẫn đến hậu quả chết người, rất có thể CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vô ý làm chết người hoặc tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh.

Trường hợp có căn cứ cho thấy, đã có hành vi khám chữa bệnh trái phép gây thiệt mạng cho bệnh nhân, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 129 hoặc Điều 315 BLHS.

Ngoài ra, nếu bác sĩ phẫu thuật, đơn vị cho thuê nhà và những người có liên quan mà biết đây là hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ chui, nhưng vẫn cố tình thực hiện, những người này đã tham gia  thực hiện các khâu, công đoạn trong hoạt động khám chữa bệnh cũng sẽ bị xử lý.

Trường hợp cơ sở hoạt động thẩm mỹ có đăng ký hoạt động khám chữa bệnh, nhưng việc khám chữa bệnh không đúng thủ tục, bác sĩ không đúng chuyên môn, không có máy móc thiết bị phù hợp, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, lúc này CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo điều 315.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm:

Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng...

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trường hợp, không thành lập cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ do cá nhân là bác sĩ tự thực hiện, không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp thì người thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 129 bộ luật hình sự, Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1- 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cảnh sát điều tra cô gái tử vong sau khi nâng mũi ở Hà Nội

Cảnh sát điều tra cô gái tử vong sau khi nâng mũi ở Hà Nội

Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội), tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ.

T.Nhung