Ngày 14/1/2021, trao đổi với Đất Việt, đại gia Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô-la, TP. Việt Trì, Phú Thọ) - chủ vườn cây di sản đầu tiên ở Việt Nam bày tỏ nhiều trăn trở cho thú chơi cây của người Việt, khi mà nhiều người thiếu sự hiểu biết, chạy theo thị trường để rồi "tay trắng" lúc nào không hay.
Nhớ về quãng thời gian khoảng 10 năm trước, khi đó khắp các tỉnh miền Bắc, đâu đâu cũng rộ lên phong trào chơi sang, nhà nhà chặt bỏ đi các cây trong vườn để trồng sanh với mục đích kiếm lời.
"Thời ấy, mỗi cây sanh chỉ cần cao quá đầu người, mọc bên vệ đường mà chẳng cần chăm sóc, uấn nắn gì cũng có giá vài trăm nghìn cho tới vài triệu, thậm chí có cây lên tới hàng trăm triệu.
Có những người trong giới buôn cây, chỉ sau một đêm mua đi bán lại 1 cây sanh có thể lãi tới hàng trăm triệu đồng. Lúc đó, xuất hiện những nhóm đi khắp nơi tìm mua sanh, gây sốt cả thị trường" - ông Toàn chia sẻ.
Ông Toàn đô-la (bên phải) bên cạnh cây sanh được mua với số tiền 28 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, bên cạnh những người chơi cây chân chính thì cũng xuất hiện những nhóm thổi giá, lợi dụng cơn sốt thị trường để tạo ra những cuộc giao dịch ảo để đẩy giá cây lên quá giá trị thực.
"Thú chơi nào cũng ẩn chứa nhóm lợi ích, họ không quan tâm tới việc phát triển thị trường cây mà chỉ chăm chăm kiếm lời dựa trên sự thiếu hiểu biết của người khác.
Thị trường sanh thời đó cũng giống như thị trường mua bán lan đột biến bây giờ, các cuộc giao dịch ảo nổ ra triền miên với giá trị được quảng cáo rất cao. Nhưng được một thời gian thì nhóm lợi ích rút dần, để lại những người mới đầu tư mất trắng" - đại gia Toàn đô-la cho hay.
Như vườn cây của ông Lê Văn Đồng ở Đông Anh, Hà Nội rộng khoảng 3.000m2 từng được nhiều người biết đến với nhiều cây sanh dáng đẹp, giá lên tới cả triệu đô. Nhưng thời gian gần đây ông Đồng cũng bỏ bê vườn cây giá trị này mà tập trung mà kinh doanh gas.
Ông Đồng thành thật, mình cũng không phải là người quá đam mê cây cảnh, nhưng vì phong trào và ham lợi nhuận nên mới tham gia. Khi tham gia cảm thấy bị “say” như say bạc, cứ mua đi bán lại và cuối cùng “ôm” cả 1 vườn nhưng sau đó không bán lại được cho ai. ông Đồng thừa nhận dính bẫy đám "cò".
Ông Đồng cho rằng, cùng lắm người ta bỏ vài tỷ, không ai dại gì, chi cả trăm tỷ để tậu 1 cây sanh.
Anh Nguyễn Hoàng Tôn, Kim Sơn, Ninh Bình cho biết, năm 2009, những đồng tiền của vợ chồng anh chắt chiu cả chục năm, thậm chí còn vay mượn bà con để đầu tư trồng và kinh doanh sanh.
Theo anh Tôn, lúc đó, cây bình thường, không dáng, không thế, cao tầm từ 1,5 đến 2m có giá vài triệu. Cây lâu năm, được chăm sóc tạo dáng lên tới cả trăm triệu. Nếu là cây gắn với kỷ niệm, có tuổi đời trên 100 năm cả chục tỷ cũng không mua được.
Tuy nhiên, đầu năm 2020, anh Tôn chỉ để lại một số cây có thế, dáng và trồng trên chậu, còn lại khu vườn sanh rộng gần 1.000m2 đã đốn làm củi.
Cây sanh ở nhiều gia đình ở Ninh Bình bị đốn làm củi (Ảnh TPO). |
Đại gia Toàn đô-la cho biết, những cây sanh thương hiệu hiện nay vẫn có giá trị và luôn giữ ở mức giá vốn có của nó mà đôi khi người có tiền cũng không thể mua được. Còn những cây làng nhàng, không có thương hiệu thì đúng là rất khó bán.
"Phải là những người chơi lâu năm, có kinh nghiệm mới có thể nhận ra được đâu là cây đẹp, giá trị hoặc có tiềm năng.
Tuy nhiên, cây sanh vẫn còn an toàn hơn lan đột biến, khi một người đầu tư vào sanh đúng nghĩa, thuê thợ chuyên nghiệp về làm cây thì cây sanh đó sẽ có giá trị và luôn có người nhu cầu bỏ tiền ra mua, còn lan đột biến thì chắc chắn sẽ sập mà không thể bán được cho ai.
Bởi, cây sanh là thứ có thể nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay còn lan đột biến chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy mặt hoa. Hơn nữa, cây sanh sau khi được trồng và chăm đúng cách thì chỉ có đẹp lên, giá trị lên còn lan đột biến càng trồng, càng chăm thì giá trị lại càng giảm đi vì không mang tính duy nhất của thị trường" - ông Toàn cho biết.
(Theo Đất Việt)