- "Là người kiến tạo nhan sắc hay tạo ra cái đẹp thì trước hết chúng tôi cũng là những bác sĩ. Nghiệp dao kéo, cắt gọt nhiều khi cũng mong manh và lúc ấy cần bản lĩnh, y đức của người thầy thuốc” – Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải (Phụ trách phẫu thuật thẩm mỹ - Thẩm mỹ viện Thanh Bình) chia sẻ.


Dao kéo không là "chiếc đũa thần"

Với hơn 20 năm gắn bó với nghiệp dao kéo, đã thực hiện không ít những công trình “kiến tạo sắc đẹp” Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải đã có những giây phút trải lòng rất thật về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện nghiệp. 

"Với hơn 20 năm gắn bó với nghiệp dao kéo, đã thực hiện không ít những công trình “kiến tạo sắc đẹp” Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải đã có những giây phút trải lòng rất thật về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện nghiệp. 

 

Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải
 

Yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp là bản năng của con người và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trước nhất và hơn hết là giúp cho con người đẹp hơn, vì vậy nó không phải là xấu cũng không phải là một điều bất bình thường. Xã hội càng phát triển, con người càng quan tâm nhiều hơn đến bản thân, nên phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay đang trở thành một xu hướng phổ biến.

Anh Hải kể, có khi khách đến mỹ viện là một nữ Việt kiều đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn đến để nâng ngực cho đẹp hơn.

Thậm chí, có cụ bà có ước mơ ấp ủ từ thời con gái về một đôi mắt phù hợp với khuôn mặt, nhưng khi có điều kiện thực hiện thì đã...80 tuổi như một bệnh nhân gần đây, ở Hải Phòng. "Dù có là 20, 60 hay 80 thì con người vẫn luôn muốn mình đẹp" - anh Hải nói.

Tuy nhiên, không giống khám chữa bệnh thông thường như việc đơn giản nhất là mổ ruột thừa, người bệnh nhất định phải mổ nếu không sẽ chết, phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, xuất phát từ chính mong muốn của bản thân.

Nhưng nhiều người vẫn coi nó như một "cây đũa thần" có thể hô biến để tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo. "Đã có không ít người hỏi tôi về tiêu chuẩn cái đẹp trong mắt một bác sĩ thẩm mỹ. Thực sự, để nói về tiêu chuẩn đẹp cũng không ai giống ai. Ngay cả bản thân tôi khi làm nghề có thể mình cảm thấy nên làm thế này thì đẹp, nhưng người bệnh lại một mực phải thế kia mới là chuẩn. Như nhiều phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh đến làm thẩm mỹ mũi dù được bác sĩ thư vấn về chiếc mũi có độ cong phù hợp với người Á Đông thì lại một mực phải là một chiếc mũi thẳng, cao, thon giống người Châu Âu".

Phẫu thuật thẩm mỹ là một xu hướng, nhưng lại không phải là một trào lưu. Ví dụ, có phụ nữ đến với thẩm mỹ chỉ vì “đồng nghiệp mới nâng ngực rất đẹp, mình đã đẹp làm phẫu thuật chắc sẽ còn đẹp hơn thế” thì không chắc dao kéo thẩm mỹ đã là "cây đũa thần", mà biết đâu sẽ trở thành "chiếc chổi phù thủy".

Cũng mong manh

Nhắc tới những biến chứng đáng buồn của việc phẫu thuật thẩm mỹ với rất nhiều nhân chứng sống, Bác sĩ – Thạc sĩ Thành Hải chia sẻ: “Điều gì do con người thực hiện cũng không thể nói là tuyệt đối, vì vậy phẫu thuật thẩm mỹ cũng không tránh khỏi những xác suất. Vì điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, đưa hóa chất vào cơ thể thì không ai có thể mạnh mồm rằng không có tác dụng phụ”.

Tuy nhiên, anh Hải cũng rất thẳng thắn: “Nhưng bên cạnh sự cố vẫn phải thực sự thừa nhận không ít những trường hợp xuất phát từ chính bác sĩ. Có thể bệnh nhân chưa có hiểu biết đúng về phẫu thuật thẩm mỹ thì bác sĩ phải là người định hướng giúp họ.

Một lần nữa, tôi muốn khẳng định lại rằng: Phẫu thuật thẩm mỹ là sự tự nguyện xuất phát từ mong muốn của khách hàng, nhưng cũng xin được nói thêm không phải lúc nào muốn cũng được. Nói đến phẫu thuật thẩm mỹ, người ta cũng nói nhiều đến chi phí lợi nhuận khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu có phải chính vì lợi nhuận mà các trung tâm thẩm mỹ cứ cắt, cứ gọt, cứ nâng theo yêu cầu của khách hàng”.

Đã từng có một bệnh nhân rất đặc biệt tìm tới anh Hải và đưa ra yêu cầu: Em bị HIV dương tính nhưng rất muốn được làm phẫu thuật nâng ngực, chi phí hay thù lao không phải là vấn đề, chỉ cần anh chấp nhận làm phẫu thuật cho em thì bao nhiêu cũng được. Nhưng với bệnh nhân đã bị suy giảm hệ miễn dịch thì khi thực hiện phẫu thuật cho họ, việc tìm đến đích thẩm mỹ cũng gần như đưa họ đến nhanh hơn với sự rủi ro lớn nhất là cái chết.

Thậm chí, sự thiếu trách nhiệm của bác sỹ đã khiến cái đẹp phải phơi bày nơi… cửa tòa. Một bệnh nhân giấu việc mình bị bệnh tiểu đường để được hút mỡ bụng. Không kiểm tra kỹ, bác sĩ cứ thế tiến hành theo mong muốn của “thượng đế”. Đến khi vết thương không thể lành lại thì bệnh nhân – bác sĩ lại lôi nhau ra tòa nhờ phân xử.

“Là người kiến tạo nhan sắc hay tạo ra cái đẹp thì trước hết chúng tôi cũng là những bác sĩ. Nghiệp dao kéo, cắt gọt nhiều khi cũng mong manh và lúc ấy cần bản lĩnh, y đức của người thầy thuốc" - anh Hải nói.

Hồng Khanh