Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với một trận chiến vô
cùng cam go, đó là vận động các đối tác trong liên minh cầm quyền ủng hộ gói cứu
trợ thứ 3 mà lãnh đạo khu vực đồng Euro vừa đưa ra.
TIN BÀI KHÁC:
Bốn văn bản pháp luật phải được thông qua vào cuối ngày mai (15/7), trong đó có các cải cách về lương hưu và thuế VAT. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos, một đối tác trong liên minh, đã tuyên bố trước rằng ông không ủng hộ các biện pháp mới.
Người Hy Lạp biểu tình trước Quốc hội phản đối các biện pháp khắc khổ. (Ảnh: EPA) |
Nếu không đạt được thỏa thuận, các ngân hàng Hy Lạp có nguy cơ đổ vỡ và nước này sau đó có thể bị buộc phải rời khỏi đồng Euro.
Thỏa thuận cứu trợ mới yêu cầu Hy Lạp phải thông qua toàn bộ những cải cách đã nhất trí, trong đó có tăng nguồn thu từ thuế và tự doa hóa thị trường lao động, tại Quốc hội vào ngày 15/7.
Sáng nay (14/7), các bộ trưởng Tài chính từ 28 thành viên EU họp ở Brussels để bàn bạc về tình hình ở Hy Lạp.
Cập nhật khủng hoảng nợ Hy Lạp: 26/6: Hy Lạp dừng đàm phán với các chủ nợ và tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản cứu trợ. 28/6: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạn chế quỹ khẩn cấp dành cho Hy Lạp; Hy Lạp áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, buộc các ngân hàng ngưng hoạt động. 30/6: Gói cứu trợ của Eurozone hết hạn. Hy Lạp không trả được khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho IMF. 5/7: Người Hy Lạp bỏ phiếu "Không", phản đối các điều kiện mà chủ nợ đặt ra. 9/7: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trình các đề xuất mới lên chủ nợ, bao gồm các biện pháp bị phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý. 13/7: Các lãnh đạo Eurozone nhất trí cung cấp gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp. Sắp tới: 16-17/7: Có thể bỏ phiếu ở quốc hội các nước thành viên Eurozone về gói cứu trợ mới. 20/7: Hy Lạp đến hạn trả 3,5 tỷ Euro tiền nợ cho ECB. |
Trước đó, sau 17 giờ thương lượng ở Brussels, hôm 13/7, EU ra tuyên bố rót 86 tỷ Euro cho Hy Lạp trong vòng 3 năm. Tuyên bố bao gồm một đề xuất tái cấu trúc các khoản thanh toán nợ của Hy Lạp "nếu cần thiết" nhưng không có điều khoản nào về giảm nợ như Athens mong muốn.
Bất kỳ một thỏa thuận mới nào cũng cần phải được quốc hội các nước thành viên Eurozone thông qua.
Khi trở về Hy Lạp ngày 13/7, ông Tsipras đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong hôm nay, công nhân viên chức Hy Lạp còn tổ chức đình công 24 giờ. Nhiều người Hy Lạp lên mạng bày tỏ nỗi bực tức, dùng hashtag #ThisIsACoup (Đây là một cuộc đảo chính).
Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos, thuộc Đảng Người Hy Lạp Độc lập ủng hộ chính phủ liên minh của ông Tsipras, ví tình hình hiện nay như một cuộc "đảo chính". Ông tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận mới - mặc dù ông vẫn muốn ở trong chính phủ.
Theo nhà báo Mark Lowen của BBC ở Athens, Thủ tướng Tsipras được cho là sẽ cải tổ Nội các và có thể thành lập một chính phủ thống nhất mới vào cuối tuần này.
Tsipras lên nắm quyền sau khi đảng cánh tả Syriza của ông thắng cử hồi tháng 1 nhờ cam kết chấm dứt các biện pháp khắc khổ. Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ tổng giá trị 240 tỷ Euro kể từ năm 2010.
Các ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa 2 tuần nay và người dân chỉ được rút 60 Euro/ngày.
Trước khi thỏa thuận mới nhất được đưa ra, đã có lo ngại rằng Hy Lạp sẽ bị buộc rời khỏi Eurozone (Grexit). Ngày 30/6, Hy Lạp đã bỏ lỡ hạn chót trả 1,5 tỷ Euro tiền nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nước này cũng không thể thanh toán nợ lần 2 cho IMF vào ngày 13/7.
Nhưng tiếp sau các cuộc đàm phán nước rút, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định "sẽ không có chuyện "Grexit).
Thanh Hảo